Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:46
07:20 |
Câu chuyện thiết kế BladeGlider và sự táo bạo của Nissan
Bất chấp những dư luận cho rằng Nissan đã quá táo bạo khi triển khai một dự án quá khác thường, mà chưa biết mức độ đón nhận của thị trường đến đâu, ý tưởng tạo ra một mẫu xe kết hợp giữa tính thể thao và tính sinh thái vẫn được hãng xe Nhật tích cực hiện thực hóa. Và khi trực tiếp được ngồi lên buồng lái của BladeGlider tại Tokyo Auto Show 2013, chúng tôi đã hiểu ra rằng, Nissan mang trong mình không chỉ một cá tính táo bạo, mà là cả một tầm nhìn tuyệt vời.
Ra mắt tại triển lãm ôtô quốc tế Tokyo vào cuối năm ngoái, mẫu concept 3 chỗ kiểu tam giác Nissan BladeGlider đã khiến tất cả khách tham quan phải trầm trồ và thích thú vì phong cách thiết kế kỳ lạ xen lẫn ấn tượng. Lấy cảm hứng từ một mẫu xe đua mang hình ảnh tên lửa, mẫu xe này khiến người ta liên tưởng đến một chiếc phi thuyền trong tương lai hơn là một chiếc xe trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, Nissan tuyên bố đanh thép trong thông cáo báo chí mới đây rằng nhà sản xuất xe đến từ nước Nhật này sẽ nghiêm túc biến khái niệm chỉ có trong giấc mơ này trở thành hiện thực trên đường phố thế giới.
Nissan BladeGlider concept.
Lấy cảm hứng từ mẫu xe đua Nissan DeltaWing trên đường đua Le Mans, do BenBowlby là cha đẻ về thiết kế, BladeGlider trở thành một dự án đầy tham vọng của Nissan trong giai đoạn 2012-2013, tập hợp một đội ngũ thiết kế không chỉ hùng hậu về lực lượng mà còn “tinh hoa” về chất.
DeltaWing là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của BladeGlider.
Mặc dù là sản phẩm tiền thân, nhưng nếu đặt DeltaWing bên cạnh concept BladeGlider, người ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra khá nhiều khác biệt. Chìa khóa thiết kế của mẫu xe đua ban đầu là mũi hẹp, cấu trúc nhẹ và tạo ra lực bay dưới thân thông qua cân bằng khí động học từ hai “cánh” cấu tạo bằng sợi carbon siêu nhẹ, thay vì lực đẩy từ phía trước hoặc sau. Nhưng BladeGlider đã biến ý tưởng đó thành một sản phẩm giàu tính sinh thái và bảo vệ môi trường hơn thông qua cấu tạo 2 bánh động cơ điện phía sau.
Hình dạng BladeGlider khá kỳ lạ so với hầu hết những mẫu xe đang có mặt trên thị trường. Phần mũi nhẹ và chỉ rộng có 1.000 mm cùng đuôi xe cân bằng giúp giảm hệ số lực cản cũng như cải thiện sự linh hoạt cho BladeGlider khi ôm cua. Bên cạnh đó Nissan BladeGlider có tỷ lệ phân bổ trọng lượng trước sau 30/70.Theo lý giải của Bowlby – cha đẻ của Nissan DeltaWing, mẫu xe tiền thân của BladeGlider, người sau này được Nissan đưa về làm giám đốc sáng tạo thể thao của hãng, thì cách xử lý đặc biệt trong các góc cắt cũng như dạng thuôn dài kiểu tam giác của chiếc xe giúp nó chỉ tốn một nửa sức kéo và đưa chiếc xe đi xa hơn đáng kể so với những mẫu xe EV hiện tại nếu sử dụng cùng một lượng điện.
Satoru Tai, giám đốc bộ phận thiết kế và sáng tạo của Nissan (ngoài cùng bên phải).
Satoru Tai, giám đốc bộ phận thiết kế và sáng tạo của Nissan cho biết thêm: “Lý thuyết được áp dụng đằng sau hình dạng lạ mắt của BladeGlider là tỷ lệ giảm trọng lực – giảm lực cản mà Nissan đã nghiên cứu từ rất lâu. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng với thiết kế này phía trước của chiếc xe quá hẹp, thiếu sự cân đối so với phần đuôi, nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó, chấp nhận hy sinh tính thẩm mỹ để đạt tới sự hoàn hảo về năng lực vận hành. Hơn nữa, nó cũng có thể xem là một định nghĩa mới về cái đẹp.”
Với quan điểm đó, 3 hướng phát triển ngoại thất đã tổ thiết kế áp dụng trên BladeGlider: thiết kế theo kiểu hình học công nghệ cao, thiết kế tôn trọng chuẩn khí động học và cuối cùng là thiết kế thuôn về phía sau dạng dòng chảy. Ngoài ra, Satoru Tai cũng bật mí thêm rằng, một phần ý tưởng thiết kế BladeGlider cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh Hagoromo, một vị nữ thần trong vở kịch cổ đại cùng tên của Nhật Bản.
Sự bất thường trong thiết kế ngoại thất khiến nhiều người đặt kỳ vọng lên thiết kế nội thất, với hy vọng những sáng tạo kỳ diệu phía trong sẽ át đi những lăn tăn về vẻ ngoài kỳ dị. Và mọi kỳ vọng được đặt lên vai nhà thiết kế trẻ Yosuke Takaki. Những phác thảo đầu tiên Takaki đưa ra được thực hiện từ giữa năm 2012, với trọng tâm thiết kế tập trung xung quanh chiếc ghế lái.
Không gian nội thất của Nissan BladeGlider concept.
Đặt ngay tại trung tâm cabin phía trước với dạng hình chữ V, ghế lái trông khá nổi bật khi được tạo hình bằng những nếp gấp mạnh mẽ và nam tính. Sự nổi bật của cabin trước còn đến từ một trung tâm điều khiến thiết kế dạng xe đua, rất đơn giản, ít nút bấm nhưng cực kỳ sang trọng.
Trên thực tế, Satoru Tai xác nhận thiết kế nội thất được thay đổi khá nhiều lần so với mẫu phác thảo ban đầu, trái ngược hoàn toàn với quyết định chắc như đinh đóng cột duyệt thiết kế bên ngoài:
"Lúc đầu chúng tôi tưởng tượng đó sẽ là buồng lái của một mẫu xe đua, nhưng sau đó chúng tôi nhận ra rằng có lẽ khách hàng sẽ thích một không gian hài hòa và thân thiện hơn. Bởi vậy concept sau khi được duyệt về nội thất cho một cảm giác khá an toàn và thoải mái. Cấu trúc khá rộng rãi giữa hai ghế ở cabin sau giúp tạo ra một không gian vui vẻ, nơi cả hai , thậm chí là cả 3 có thể nhìn thấy và giao lưu cởi mở với nhau. Hoàn toàn không giống một chiếc xe đua".
Ngoài hình thể và đường nét, yếu tố màu sắc cũng rất được chú ý trong thiết kế BladeGlider. Bên cạnh tông màu trắng – đen làm chủ đạo, hướng tới sự sang trọng, thiết kế sư chuyên về màu sắc Hideshi Saiki còn khéo léo tạo ra những điểm nhấn màu xanh, đặc biệt là xanh lá cây trong không gian nội thất. Điều này thể hiện mong muốn của nhà sản xuất muốn nhận diện thương hiệu BladeGlider là một mẫu xe điện tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Bất chấp những dư luận cho rằng Nissan đã quá táo bạo khi triển khai một dự án quá khác thường, mà chưa biết mức độ đón nhận của thị trường đến đâu, ý tưởng tạo ra một mẫu xe kết hợp giữa tính thể thao và tính sinh thái vẫn được hãng xe Nhật tích cực hiện thực hóa. Và khi trực tiếp được ngồi lên buồng lái của BladeGlider tại Tokyo Auto Show 2013, chúng tôi đã hiểu ra rằng, Nissan mang trong mình không chỉ một cá tính táo bạo, mà là cả một tầm nhìn tuyệt vời.
Thông tin thêm về Nissan BladeGlider:
Loại xe: EV thể thao 3 chỗ concept
Chiều dài: 4.200mm
Chiều rộng: 1.000mm (trước) và 1.890mm (sau)
Chiều cao: 1.140mm
Chiều dài cơ sở: 2.800mm
Giám đốc sáng tạo: Ông Shiro Nakamura
Giám đốc điều hành thiết kế: Ông Mamoru Aoki
Trưởng nhóm sáng tạo ngoại thất: Kenichiro Koizumi
Thiết kế sư ngoại thất cao cấp: Randy Rodriguez
Thiết kế sư nội thất: Takashi Oosuda và Yosuke Takaki
Thiết kế màu sắc: Hideshi Saiki
Dự án bắt đầu triển khai từ giữa năm 2012 và kết thúc vào tháng 9/2013
Concept chính thức ra mắt tại Tokyo tháng 11/2013
Phan Liên (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá