Thứ Bảy, 12/10/2024 | 23:41
07:16 |
Chính sách thuế đang “bóp” mong muốn nội địa hóa ô tô
Các địa phương muốn thu được thuế nhiều và nhanh, nên đầu tư cho lắp ráp, nhập xe nguyên chiếc được khuyến khích hơn so với đầu tư cho sản xuất.
Đầu tư cho nội địa hóa đạt mức 50% thì phải sau 5 năm mới bắt đầu nộp thuế giá trị gia tăng và cũng cần ít nhất 5 năm nữa thì việc xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm mới đạt tới điểm hòa vốn và từ năm thứ 12 trở đi tiền nộp thuế mới tăng lên. Đó là thực tế được ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Xuân Kiên nhận xét trong một tâm thư gửi các lãnh đạo cấp cao.
Theo cách tính của ông Huyên, để có sản lượng 100.000 xe/năm với ô tô du lịch từ 5-8 chỗ ngồi, lắp động cơ dưới 1.800 cc và mức nội địa hóa là 50%, cần đầu tư khoảng 350 triệu USD (tương đương 7.385 tỷ đồng). Mức đầu tư này là để xây dựng các nhà máy và đầu tư thiết bị liên quan, như nhà máy đúc luyện kim để luyện đúc khuôn (300 tỷ đồng), nhà máy gia công khuôn được trang bị trung tâm gia công, máy phay công nghệ cao dùng các phần mềm hiện đại (1.000 tỷ đồng), nhà máy dập gồm 3 dây chuyền dập tự động có trợ giúp bằng robot và 50 máy dập có lực từ 100 - 2.000 tấn (1.200 tỷ đồng)… Ngoài vốn cho tài sản cố định này, còn cần khoảng 2.000 tỷ đồng vốn lưu động.
Tốn kém và rủi ro cao là những lý do khiến các doanh nghiệp ô tô không mặn mà đầu tư cho nội địa hóa tại Việt Nam
Ông Huyên cho biết, nếu đến năm thứ 10, công suất nhà máy phát huy được 80%, tức là 80.000 xe/năm thì doanh thu mới đạt 20.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu đồng/xe) và thuế phải nộp cỡ 7.000 tỷ đồng/năm. “Trong khi đó, chỉ cần lắp ráp và nhập xe nguyên chiếc như doanh nghiệp đang bán xe tốt nhất hiện nay là Toyota Việt Nam, với khoảng 23.000 xe trong năm 2013, thì số tiền thuế mà doanh nghiệp có thể nộp được đã hơn 10.000 tỷ đồng/năm”, ông Huyên nói.
Với thực tế nộp thuế nhiều cho ngân sách này, doanh nghiệp được khen thưởng, tuyên dương và đặc biệt là chính sách thuế hiện nay cho phép các địa phương giữ lại 40% khoản thu từ thuế giá trị gia tăng, nên chuyện địa phương khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nguyên chiếc hay lắp ráp giản đơn là điều không khó hiểu.
Tuy nhiên, song song với các lợi ích trước mắt này, thì câu chuyện sử dụng lao động, giảm nhập siêu, phát huy tài nguyên sẵn có, mà không xuất khẩu tài nguyên thô, hay giảm giá bán cho người tiêu dùng, cũng như tính bền vững, lâu dài của công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ lại không có nhiều và cũng được các doanh nhân tâm huyết với công nghiệp ô tô nói riêng và phát triển công nghiệp nói chung đặt ra.
Thực tế thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện hiện nay chỉ từ 0-5% cũng được ông Huyên cho là lợi thế cạnh tranh lớn, thuộc diện thấp nhất thế giới, khiến các doanh nghiệp ô tô nước ngoài xác định chỉ lắp ráp và nhập khẩu xe nguyên chiếc. Trong khi đầu tư để nội địa hóa tại Việt Nam thì mất 10 năm sau mới có kết quả, thậm chí rủi ro quá lớn.
Từ kinh nghiệm làm ô tô của mình, ông Huyên cho hay, nếu đầu tư các công nghệ cao để thiết kế, đúc, gia công khuôn, dập, hàn cắt, sơn, thử nghiệm thì đạt được mức 39% nội địa hóa. Nếu làm thêm hệ thống chassi phụ, bình xăng và một số chi tiết khác thì được hơn 40%. Các phụ tùng khác như lốp, vành, ghế ngồi, kính, ắc quy, đèn có giá trị khoảng 10-12% của một chiếc xe.
Tuy nhiên, thực tế thì các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không mặn mà với việc đầu tư khuôn mẫu, làm thân vỏ xe bởi tốn kém. Đào tạo kỹ sư đảm đương được thiết kế cũng mất cả chục năm. Vì vậy, trong lúc thị trường Việt Nam còn nhỏ, sản lượng còn thấp, các doanh nghiệp ô tô mang các thân vỏ xe từ nước ngoài vào Việt Nam để lắp ráp với thuế gần như bằng 0%.
Theo thống kế của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/5/2014, đã có 8.747 xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu vào Việt Nam trong tổng số gần 18.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại được nhập khẩu. Số ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu này cũng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do được cho là thuế nhập khẩu ô tô du lịch nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chỉ còn 50% so với mức hơn 70% của năm 2013.
Ý kiến đánh giá