Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:25
06:05 |
Đi xe máy, vào cua thế nào cho an toàn?
Việc lái vào khúc cua an toàn đòi hỏi cao ở sự thận trọng và kỹ thuật điều chỉnh của người điều khiển. Bạn cần nắm rõ các quy tắc, bởi những khúc cua rất dễ là địa điểm “tử thần” gây tai nạn.
Ôm cua bao gồm những lúc các phương tiện rẽ trái, rẽ phải hoặc đi qua các khúc đường vòng như đi qua đèo, núi…
Khúc cua có nhiều điểm bất lợi cho người lái xe máy vì là đường có độ cong nên khó quan sát hay bắt buộc người và phương tiện xe phải có độ nghiêng. Cũng bởi những khó khăn này, nên nếu người lái xe mà thiếu quan sát, ôm cua gắt thì xe dễ bị ngã hoặc đâm vào các đối tượng khác trên đường.
Quan sát
Quan sát là yếu tố hết sức quan trọng cho việc thực hiện ôm cua an toàn. Trước khi quẹo cua, trước hết đầu và mắt hướng về phía góc cua để quan sát và định hướng cho người và xe.
Quan sát là yếu tố hết sức quan trọng cho việc thực hiện ôm cua an toàn
Dù cho bạn đang chạy chậm hoặc nhanh, hết sức tránh việc thay đổi hướng đi đột ngột bởi khi bạn thay đổi hướng đi đột ngột bạn sẽ không tránh được các xe đi cùng chiều và ngược chiều. Thiếu quan sát sẽ không thể giúp bạn giữ thăng bằng đồng thời không tránh được chướng ngại vật.
Chú ý sự xuất hiện của xe đi ngược chiều. Tại các khúc cua, thường có nguy cơ xe đi ngược chiều lấn vạch phân cách trên đường. Do đó, khi điều khiển xe phải luôn chú ý hướng tầm nhìn đến mức tối đa sao cho có thể phát hiện được nhanh nhất tình trạng đường sá và các phương tiện giao thông đi ngược chiều.
Giảm tốc độ
Lực ly tâm ảnh hưởng rất lớn tới khả năng ôm cua của xe máy. Tốc độ càng cao thì bạn càng cần phải có quãng đường cua rộng hơn hoặc phải ôm cua sát hơn.
Để an toàn, bạn chỉ nên ôm cua ở tốc độ dưới 40 km/h
Để an toàn, bạn chỉ nên ôm cua ở tốc độ dưới 40 km/h, bởi bạn không phải là chuyên gia và cũng không được tập luyện cho những pha ôm cua ở tốc độ cao. Sau khi ôm hết đoạn cua, hãy tăng tốc.
Hãy luôn nhớ, thời tiết và điều kiện mặt đường ảnh hưởng tới khả năng cua của bạn. Trời mưa hay đường trơn trượt, cát hay đất, hãy giảm tốc độ đến mức thấp nhất có thể để vào cua, để đảm bảo an toàn.
Sử dụng phanh
Cần tuyệt đối tránh việc vừa ôm cua vừa sử dụng phanh. Việc này sẽ khiến bạn dễ dàng mất lái và trượt ngã bởi hiện tượng trượt bánh do bó cứng phanh bánh trước hoặc bánh sau.
Nếu phải sử dụng phanh, hãy phanh nhẹ nhàng, phanh đều cả bánh trước bánh sau, tuyệt đối không phanh bất ngờ. Có thể sử dụng phanh bóp nhả liên tục để giảm tốc, để bánh xe không bị bó cứng.
3 cách nghiêng người khi ôm cua
Nghiêng cùng xe - Nghiêng trong xe và nghiêng ngoài xe
Nghiêng cùng xe
Nghiêng đều là khi bạn vào cua, cả người và xe bạn đều nghiêng so với mặt đường. Nói cách khác, người và xe bạn nằm trên một trục và cùng nghiêng một góc so với mặt đường.
Đây là cách cua tự nhiên, đơn giản, ai đi xe máy cũng đều thực hiện dù có ý thức hay vô thức.
Cách cua này hoàn toàn tự nhiên nên cũng dễ luyện tập, thông dụng nhất, tuy nhiên không có ưu điểm nào nổi trội. Đây là cách ôm cua cơ bản, sử dụng được trong bất cứ tinh huống nào.
Nghiêng trong xe
Với cách cua này, khi bạn ôm cua, người bạn sẽ nghiêng sang bên cần rẽ nhiều hơn xe. Như vậy xe sẽ có độ bám đường cao hơn do ít nghiêng, qua đó an toàn hơn.
Cách ôm cua này thường sử dụng trong thời tiết mưa, đường trơn trượt, đường dốc. Đây là cách cua có độ an toàn cao nhất.
Bạn cũng có thể sử dụng cách ôm cua này khi muốn có góc quan sát lớn hơn để vượt ô tô trong một số trường hợp. Nghiêng người và cua nhẹ để quan sát phía trước ô tô, chọn thời điểm thích hợp để tăng ga vượt xe.
Nghiêng ngoài xe
Đè mạnh xe sang bên cần ôm cua để xe nghiêng một góc lớn, đồng thời giữ người nghiêng ít hơn xe để lấy cân bằng.
Cách ôm cua này khiến bạn có thể ôm được những góc cua gấp, với tốc độ cao hơn. Tất nhiên phương pháp này cũng nguy hiểm hơn, bạn sẽ phải thực hành rất nhiều nếu muốn thực hiện được cách ôm cua này ở tốc độ cao. Lốp xe tốt và hệ thống giảm xóc hoạt động trơn tru sẽ tăng độ an toàn đáng kể.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá