Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:45
07:10 |
Tương lai của Renault-Nissan với vị CEO tham vọng
Trở thành một trong ba tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, lật đổ thế chân kiềng General Motors – Toyota – Volkswagen, đó là tham vọng của Renault-Nissan – liên minh gồm 2 hãng xe Pháp và Nhật. Tham vọng này được vị giám đốc điều hành của Renault-Nissan - Carlos Ghosn chính thức xác nhận vào cuộc họp cổ đông trong tháng tư vừa qua.
Ông Ghosn cho biết chiến lược của ông sẽ tập trung vào sự phục hồi của Renault, đây là sẽ là nơi sản xuất sản phẩm chủ lực của liên minh trong vòng 3 năm tới. Thêm vào đó là tiếp tục tăng trưởng thị phần tại các thị trường như Nga và Trung Quốc sẽ giúp mục tiêu trở thành hiện thực. Vị giám đốc điều hành này nhận nhiệm vụ sẽ đưa liên minh bước vào một giai đoạn tăng tốc mới theo lộ trình đến năm 2018.
Liên minh Renault-Nissan cho biết năm ngoái doanh số bán hàng của họ đang tăng thêm 2% đạt con số kỷ lục 8,26 triệu xe. Đây là một bước tiến đáng kể để họ thu hẹp khoảng cách với 3 đối thủ lớn nhất thế giới là General Motors, Toyota và Volkswagen. Mục tiêu năm nay của họ là đạt mốc 10 triệu xe được bán ra. Các nhà phân tích cho biết mục tiêu của Ghosn có tính khả thi. Ông Rabih Freiha, nhà phân tích chiến lược của Renault cho biết: “Khả năng liên minh Pháp – Nhật lọt vào top 3 thế giới vào năm 2020 là khả thi. Cũng như nhìn vào Volkswagen 10 năm trước, không ai nghĩ họ có thể đạt được thành công hiện tại.”
Hiện tại Ghosn đang là linh hồn của liên minh Renault-Nissan, ông liên tục đưa ra các quyết sách táo bạo và hành động quyết liệt.
Tiềm năng của Renault
Chuyên gia Ian Fletcher của IHS Automotive cho rằng Renault-Nissan ngày càng theo kịp các đối thủ. Thậm chí trong vòng 5 năm tới dự báo doanh số bán xe của họ sẽ tăng nhanh hơn tốc độ của cả GM và Toyota. IHS dự báo doanh số tiêu thụ của liên minh này sẽ đạt 9,47 triệu xe vào năm 2020.
Ghosn khẳng định với các cổ động trong cuộc họp là sự tăng trưởng về mặt khối lượng sẽ không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng về lợi nhuận. Ông đặt ra mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận của Renault lên đến 5% vào năm 2017, trong khi con số này chỉ đạt 3% vào năm ngoái. Ở cuộc họp tháng trước, ông cũng đặt ra mục tiêu tăng 8% tỷ suất lợi nhuận với Nissan vào năm 2017. Thúc đẩy sự phối hợp nhịp nhàng giữa Renault và Nissan là chìa khóa để chiến lược của Ghosn trở thành hiện thực.
Tăng trưởng của Renault-Nissan theo dự báo của IHS Automotive.
Trong tháng 3 vừa qua, Ghosn đã tuyên bố một động thái mạnh tay để tích hợp 2 công ty. Theo đó liên minh trên sẽ triển khai phối hợp sâu trên 4 lĩnh vực chính là kỹ thuật, sản xuất, thu mua và nguồn nhân lực. Mà cụ thể là các nhà quản lý và quản trị Nhật Bản sẽ lãnh đạo mảng kỹ thuật và sản xuất, còn giám đốc điều hành của Renault sẽ phụ trách mảng thu mua và nguồn nhân lực. Ghosn cho biết động thái này sẽ giúp liên minh đạt được sức mạnh cộng hưởng đồng thời giúp tiết kiệm được một khoản chi phí tương đương 4,3 tỷ euro (tương đương 5,8 tỷ USD) vào năm 2016.
Cũng tại cuộc họp thường niên ngày 30 tháng 4 tại Palais des Congres trung tâm hội nghị ở Paris, Ghosn đưa ra hai chiến lược quan trọng khác, đó là:
• Định vị Renault như một thương hiệu thứ 2 của Châu Âu qua cách bán hàng.
•Tăng cường vị trí của Renault để từng bước trở thành công ty sản xuất ôtô lớn nhất của Pháp và tiếp theo là toàn thế giới.
Renault hiện nay là thương hiệu xếp thứ 4 tại châu Âu về khối lượng bán ra trong 4 thàng đầu năm với 291.220 xe. Xếp ngay trước Renault là Volkswagen (541.148), Ford (366.332) và Opel /Vauxhall (299.862). Ghosn mong muốn dựa vào việc đổi mới các mô hình quan trọng trong phân khúc compact để đưa Renault trước mắt vượt qua Ford và Opel.
Mở rộng thị trường
Một phần quan trọng trong chiến lược của Ghosn để trở thành một trong ba hãng xe hơi hàng đầu thế giới là phải thành công trên 2 thị trường Trung Quốc và Nga. Trung Quốc hiện tại đang là thị trường lớn nhất của Nissan, chiếm ¼ doanh số bán hàng của hãng này. Dự kiến Renault sẽ bắt đầu sản xuất mẫu crossover vào năm 2016 trong một nhà máy liên doanh mới với Dongfeng Motor, là đối tác của Nissan. Nhà máy sẽ có công suất sản xuất ban đầu là 150.000 xe/năm và có khả năng tăng gấp đôi con số đó tron tương lai. Tuy là đặt chân đến Trung Quốc khá muộn, nhưng Renault vẫn đặt ra mục tiêu bán ra 600.000 đến 700.000 xe/năm và chiếm 3% thị phần của thị trường này.
Một số nhà phân tích đã đưa ra nhận xét đầy lạc quan về tương lại của Renault tại Trung Quốc. Ông Freiha Exane của BNP Paribas cho biết: “Renault sẽ không thể đạt được lợi ích như các hãng xe Đức đạt được trong 3 năm vừa qua. Nhưng các khoản đầu từ của Renault chắc chắn sẽ không lãng phí, vì thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng”.
Còn tại Nga, liên minh sẽ sớm giành quyền kiểm soát công ty AvtoVAZ của Nga và xây dựng thương hiệu Lada -thương hiệu bán chạy hàng đầu nước này.
Xe giá rẻ
Một trụ cột khác trong chiến lược tăng trưởng của Ghosn đó là mở rộng danh mục đầu tư và xe giá rẻ, trong đó có sự hồi sinh mẫu xe Datsun. Bước đi này cho thấy phần nào thành công khi Renault đã chiếm được 2.7% thị phần tại châu Âu trong 4 tháng đầu năm nay nhờ mẫu xe Dacia.
Datsun được hướng tới các thị trường như Ấn Độ, Nga, Indonesia và Nam Phi.
Giống như Dacia, Datsun sẽ nhằm mục đich thu hút những người tiêu dùng lần đầu tiếp cận với thị trường xe hơi. Tuy nhiên thị trường mục tiêu của chúng hoàn toàn khác nhau nên không có cạnh tranh trực tiếp. Dacia là thương hiệu tập trung chủ yếu cho thị trường châu Âu và khu vực bắc Phi. Trong khi đó Datsun được hướng tới các thị trường như Ấn Độ, Nga, Indonesia và Nam Phi.
Tương lai của liên minh
Ông Ghosn năm nay đã 60 tuổi và ông hy vọng sẽ có 2 CEO riêng cho Nissan và Renault để thay thế khi ông về hưu. Trong một cuộc phỏng vấn của Automotive News vào năm ngoái, Ghosn khẳng định: “Tôi sẽ không khuyên hội đồng cổ đông để bất cứ ai phụ trách công việc như tôi đang làm. Vì phụ trách 2 công ty là phải chạy đi chạy lại giữa 2 quốc gia vô cùng mất thời gian và không hiệu quả. Tôi phải làm điều đó vì tôi không có lựa chọn khác. Nhưng nếu tách thành 2 CEO điều đó sẽ có ích hơn cho liên minh”.
Renault phụ thuộc khá nhiều vào Nissan, và đó là điều dễ hiểu khi so sánh qui mô giữa 2 công ty khi liên minh được thành lập năm 1999. Nissan hiện tại có doanh số gấp đôi Renault và trong quý đầu tiên năm nay Nissan đã đóng góp hơn 415 triệu Euro trong tổng thu nhập ròng của Renault.
Nói chung, hiện tại Ghosn đang là linh hồn của liên minh Renault-Nissan, ông liên tục đưa ra các quyết sách táo bạo và hành động quyết liệt. Các nhà phân tích đánh giá nếu Ghosn còn trụ vững thì liên minh này sẽ phát triển. Nhưng trong tương lai xa thì không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Phan Liên (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá