Chủ Nhật, 19/01/2025 | 05:57
22:00 |
Toyota đề xuất giảm thuế hàng loạt để ở lại Việt Nam
Hãng xe Nhật Bản đề nghị giảm cả thuế tiêu thụ nội địa và nhập khẩu linh kiện để tăng tỷ lệ nội địa hoá, mở thêm nhà máy mới, nếu không sẽ dừng sản xuất hoàn toàn từ 2025.
Toyota vừa gửi nhà chức trách Việt Nam một số kiến nghị dựa trên dự báo về số liệu sản xuất của hãng, nhằm duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018 và góp ý xây dựng chính sách phát triển ôtô Việt Nam trong dài hạn.
Hãng đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng, theo cách mà Thái Lan và Indonesia đang áp dụng.
Toyota cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0% - ngang với mức thuế từ ASEAN vào năm 2018.
Dây chuyền sản xuất của Toyota tại Việt Nam. Ảnh: Toyota.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước, hãng kiến nghị hai kịch bản, giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm mức thuế suất từ 45% xuống 35%. Toyota cũng mong muốn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ôtô.
Đề nghị gây chú ý nhất là hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Theo đó, mức chênh lệch chi phí này, theo tính toán của Toyota, lên tới 25% vào năm 2018, khi hàng rào thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN về 0%. 50% trong số này tương ứng 12,5% chi phí sản xuất xe khi đó.
Thời hạn mà hãng đề nghị hỗ trợ kéo dài 10 năm. Toyota dự tính hai kịch bản sẽ diễn ra trong trường hợp Chính phủ Việt Nam có tiếp tục hỗ trợ hay không.
Nếu Chính phủ phê duyệt các đề xuất trên, Toyota Việt Nam sẽ nỗ lực từng bước tăng cường nội địa hoá để cắt giảm chi phí, tiến tới loại bỏ hoàn toàn một nửa chênh lệch chi phí còn lại. Tỷ lệ nội địa hoá vào năm 2020-2025 sẽ cao hơn con số 20-37% hiện nay. Hãng đang có 5 mẫu xe, sau này sẽ có thêm 2-3 mẫu xe mới và đổi mới khoảng 10-15 mẫu xe. Sản lượng xe đang từ 40.000 xe sẽ được nâng lên 50.000 xe. Cùng đó, Toyota hứa hẹn cân nhắc đầu tư thêm nhà máy mới với công suất lên tới 100.000 xe mỗi năm sau năm 2025.
Ngược lại, nếu không có hỗ trợ của Chính phủ sau năm 2018 như trên, hãng rất khó duy trì sản xuất xe tại Việt Nam do đối thủ nhập khẩu các mẫu xe với giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước. Khi đó, đến năm 2020, Toyota Việt Nam sẽ giảm sản lượng từ 40.000 xe hiện nay xuống chỉ còn 13.000 xe một năm, tỷ lệ nội địa hoá sẽ không tăng, sẽ chỉ có một mẫu xe mới và đổi mới 5 mẫu xe. Đến năm 2025, mọi hoạt động sẽ về số 0.
Trong bản đề xuất, Toyota Việt Nam ghi rõ: "Hãng sẽ từng bước ngừng sản xuất các mẫu xe vì không thể đầu tư cho giai đoạn thay đổi sản phẩm tiếp theo do chi phí sản xuất xe cao hơn xe nhập khẩu".
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo sau đó cho biết: "Qua thông tin trao đổi, không có cơ sở để nói Toyota sẽ chấm dứt đầu tư ở Việt Nam".
Theo ông Tuấn Anh, Toyota có đề nghị Chính phủ ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đây là vấn đề mà Chính phủ đã giao các bộ có trách nhiệm xây dựng chính sách, trong đó có vấn đề về chính sách thuế, phù hợp với cam kết hội nhập.
Đề xuất của Toyota được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực cắt giảm và dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Công nghiệp ôtô Việt Nam sau nhiều năm được bảo hộ đứng trước lựa chọn tự sản xuất hay đi buôn nếu các ưu đãi thuế quan không còn.
Toyota là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về ôtô có mặt đầu tiên tại Việt Nam từ 1995 với tổng vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD. Bên cạnh hoạt động chính là lắp ráp và sản xuất xe, Toyota còn có quyền nhập khẩu xe nguyên chiếc theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.
Theo T.Đức (VnExpress)
Ý kiến đánh giá