06:05  | 

Đến thời các hãng xe ở Việt Nam “đóng cửa, đi buôn”

Dự án xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sau hơn 20 năm triển khai đến nay gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Và các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đang tính đến phương án nhập khẩu khi Hiệp định AFTA đang đến gần.

Năm 2018, theo lộ trình hội nhập AFTA, thuế suất các dòng xe nhập khẩu sẽ bằng 0% và xe từ các nước ASEAN sẽ vào Việt Nam một cách dễ dàng. Chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa, lộ trình này sẽ thành hiện thực. Do đó, chẳng có lý gì để các hãng xe ở Việt Nam cứ “án binh bất động” chờ tin từ Chính phủ. Họ đã sớm nhận ra con đường mới – con đường giảm sản xuất, tăng cường nhập khẩu.


Động thái rõ ràng từ các hãng xe

Hãy thử nhìn vào 4 mẫu xe mới nhất vừa ra mắt tại thị trường Việt vào tháng 8 này. Trong 4 mẫu xe đến từ 4 hãng lớn tại Việt Nam là Honda Accord 2015, Ford Ranger 2015, Chevrolet Cruze 2015 và Hyundai Tucson có tới 3 mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Đó là ví dụ cho thấy, quan điểm và chiến lược của phần lớn các thương hiệu xe đang có mặt tại Việt Nam là khá rõ ràng.

Đến thời các hãng xe ở Việt Nam “đóng cửa, đi buôn” ford-ranger-2015 (1).jpgMẫu xe chiến lược Ranger được Ford đưa về Việt Nam dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan

Trong khi Toyota 2 – 3 tháng gần đây còn dè chừng khi nói về chiến lược đầu tư kinh doanh ở Việt Nam bởi dù sao thị phần của hàng xe này còn rất lớn (năm 2014 bán được hơn 41.200 xe, chiếm gần 31% thị phần), thì những đơn vị sản xuất ôtô khác có thị phần nhỏ hơn đã thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình là sẽ nghiêng về nhập khẩu nếu Chính phủ không đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển, thậm chí một số hãng sẽ ngưng lắp ráp mà chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn.

Ví như Công ty liên doanh Vinastar (lắp ráp xe Mitsubishi) không ngần ngại công khai kế hoạch chuyển sang nhập khẩu các dòng xe thương hiệu này để bán tại thị trường Việt Nam do thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm dần từ nay đến năm 2018.

Lãnh đạo Vinastar cho rằng sở dĩ Mitsubishi chọn nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam vì hãng cũng chưa biết được từ nay đến năm 2018, Chính phủ có thay đổi gì về chính sách đối với ngành công nghiệp ôtô hay không.

Trong khi đó Suzuki Việt Nam không nói rõ kế hoạch kinh doanh của mình như thế nào nhưng vào cuối năm ngoái đã chọn dòng xe bảy chỗ Ertiga nhập khẩu từ Ấn Độ làm xe chiến lược để cạnh tranh với các đối thủ khác trong nước.

Một thương hiệu ôtô lớn của Hàn Quốc mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.

Nhưng mẫu xe chiến lược của những thương hiệu vốn đã quen thuộc với người Việt như Ford, Honda, GM hay thậm chí là Kia hay Mazda chuyển dần sang đóng mác nhập khẩu. Điều này là thấy rõ.

Cái lý của nhập khẩu

Khi thuế suất còn 0% (đối với các nước ASEAN) và 5% (với các nước ký kết với ASEAN) thì việc xe nhập khẩu tràn về Việt Nam là điều không tránh khỏi. Để cạnh tranh, xe lắp ráp trong nước buộc phải giảm giá bán. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, điều này là không thể. Bởi hiện nay, thuế nhập khẩu linh kiện ở Việt Nam còn khá cao trong khi những nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã hưởng mức thuế 0%.

Đến thời các hãng xe ở Việt Nam “đóng cửa, đi buôn” oto.jpg
Một chiếc ôtô, doanh nghiệp Việt làm được cái gì? (Ảnh minh họa)

Muốn hạ giá bán, doanh nghiệp phải có đủ nguồn linh kiện nội địa (công nghiệp phụ trợ), nhưng điều này đến nay vẫn chưa làm được. Đã vậy, hơn 20 năm xây dựng nhưng ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Mỗi năm cả thị trường chỉ tiêu thụ trên dưới 100.000 xe, trong đó có đến vài chục mẫu xe, mỗi mẫu chỉ sản xuất với số lượng nhỏ thì không thể giảm giá thành.

Như ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đề cập, khó khăn nhất của Việt Nam dẫn đến kém cạnh tranh là không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ sản xuất nội địa của các doanh nghiệp ôtô trong nước rất thấp (chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe). Và các linh kiện được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp.

Đơn cử như Toyota Việt Nam dù đến nay đã phân phối và sản xuất khoảng 305.780 xe nhưng mới có 18 nhà cung cấp phụ tùng trong nước với 270 phụ tùng được nội địa hoá. Như vậy, khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc bằng 0%, việc nhập khẩu phụ tùng và lắp ráp tại Việt Nam rõ ràng sẽ khó cạnh tranh so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia.

Để thu hút được các nhà sản xuất ôtô rót vốn vào Việt Nam như Thái Lan và Indonesia như hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường tại chỗ thật lớn và phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngang hàng với Thái Lan và Indonesia trong thời gian còn lại là điều rất khó khăn.

Tất cả các nhà sản xuất dòng xe phổ thông cũng thừa nhận Việt Nam khó theo kịp ngành công nghiệp ôtô của hai nước này. Với thực tế này, trừ một số doanh nghiệp có thị trường lớn vẫn tiếp tục lắp ráp những mẫu xe còn có lợi thế, còn không lại đều có xu hướng chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về phân phối.

Khánh An (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm