06:10  | 

Xe Trung Quốc – Những “hơi thở cuối cùng” tại Việt Nam

Những thương hiệu xe Trung Quốc hiếm hoi còn “sót” lại tại Việt Nam cũng không cho thấy có nhiều sức sống.

3 cái tên “xa lạ”

“Điểm danh” những thương hiệu xe du lịch Trung Quốc hiện còn đang “làm ăn” tại Việt Nam, người ta chỉ còn thấy có 3 cái tên hiếm hoi: Haima, Changan và BAIC.

Thương hiệu xe Haima xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua nhà phân phối KYLIN-GX668. Tuy nhiên, sau 5 năm “đặt chân” đến dải đất hình chữ S, xe của Haima không mấy được người Việt quan tâm.

Xe Trung Quốc – Những “hơi thở cuối cùng” tại Việt Nam haima-m3-shanghai-2013-01.jpgSau 5 năm “đặt chân” đến Việt Nam, xe của Haima không mấy được người Việt quan tâm

Haima là kết quả của sự hợp tác giữa công ty xe hơi Hải Nam (Trung Quốc) và Mazda (Nhật) sau khi Mazda chuyển giao lại dây chuyền sản xuất.

Haima đã giới thiệu 4 dòng sản phẩm chính tới thị trường Việt bao gồm Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema với ngoại hình có nhiều nét giống với những chiếc xe Mazda.

Cái tên thứ 2 là Changan - hãng sản xuất ôtô lớn thứ hai của Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam hồi giữa năm ngoái thông qua con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc với showroom đầu tiên đặt tại TPHCM.

Toàn bộ sản phẩm của Changan ở Việt Nam do Công ty TNHH TC Changan Việt Nam, một công ty con của tập đoàn Tan Chong International Limited (TCIL) phân phối độc quyền. TCIL cũng là doanh nghiệp đang phân phối độc quyền các dòng xe Subaru của Nhật tại Việt Nam qua công ty con mang tên Motor Image Vietnam.

Xe Trung Quốc – Những “hơi thở cuối cùng” tại Việt Nam 572.jpgChangan là thương hiệu xe Trung Quốc lại đến sau nên sẽ gặp không ít khó khăn về việc tiêu thụ sản phẩm

Giới quan sát cho rằng, Changan là thương hiệu xe Trung Quốc lại đến sau nên sẽ gặp không ít khó khăn về việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước bởi phần lớn người tiêu dùng Việt Nam lâu nay quen dùng ôtô Nhật, Mỹ, Hàn Quốc... hơn.

Cuối cùng là BAIC. Tháng 10 năm ngoái, khi Triển lãm xe hơi nhập khẩu đầu tiên (VIMS) diễn ra tại Hà Nội, người tiêu dùng Việt mới bắt đầu loáng thoáng nghe đến cái này.

Có thể nói, nếu không có VIMS, chắc sẽ rất ít người biết đến sự tồn tại của BAIC tại Việt Nam. Hãng này mang 3 mẫu xe đến trưng bày tại VIMS để thu hút và tiếp cận khách hàng. Tiếc rằng, ấn tượng với người tiêu dùng lại chỉ là những sản phẩm na ná, bắt chước kiểu dáng của các “ông lớn” đã quá nổi tiếng.

Xe Trung Quốc có “sống” được ở Việt Nam

Dù đều là những hãng xe lớn của Trung Quốc, đều hợp tác, trao đổi công nghệ với những thương hiệu xe hơi nối tiếng, nhưng Haima, Changan và BAIC có “sống” được ở Việt Nam hay không là điều khiến nhiều người hoài nghi.

Xe Trung Quốc – Những “hơi thở cuối cùng” tại Việt Nam byd_f0_1st_hatchback5d-1765.jpgBYD là một trong những cái tên rút khỏi thị trường Việt trong âm thầm

Trước đó, gần như toàn bộ các nhãn hiệu xe hơi có nguồn gốc Trung Quốc đã âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam chỉ sau một khoảng thời gian ngắn xuất hiện. Ồ ạt vào Việt Nam bằng màn ra mắt ồn ào và những dòng xe giá rẻ, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn, các hãng xe Trung Quốc lần lượt biến mất khỏi thị trường một cách đầy “bí hiểm”.

Chưa đầy 10 năm, đã có 6 thương hiệu xe hơi Trung Quốc đến Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau như nhập khẩu nguyên chiếc hay thành lập liên doanh lắp ráp. Nhưng hình thức kinh doanh của các hãng xe “Tầu” luôn có điểm chung, sử dụng những dòng xe giá rẻ mang kiểu dáng cóp nhặt, để tiếp cận người tiêu dùng Việt.

Liên tục tranh nhau xác lập vị trí xe hơi rẻ nhất thị trường Việt Nam để thu hút người tiêu dùng, nhưng lần lượt các mẫu xe giá rẻ của Chery, BYD, Lifan hay Geely đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Chất lượng kém và thiếu an toàn chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng thờ ơ với các mẫu xe gắn mác Trung Quốc.

Cho đến thời điểm này, những cái tên như Chery, BYD, Geely, Lifan hay MG đã không còn thấy xuất hiện. 3 thương hiệu còn lại nói trên gồm Haima, Changan và BAIC dù chưa “biến mất” nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sức sống tại thị trường Việt Nam.

Khánh An (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (8)


Có thể bạn quan tâm