16:55  | 

Người Việt “mắc” bệnh do hít nhiều khí thải xe máy

Lượng xe máy gia tăng đang khiến các thành phố lớn ở Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân dễ mắc các bệnh ung thư do hít phải khí thải của loại phương tiện này.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường gần đây, khoảng 70 - 90% tổng lượng khí thải đô thị tại các thành phố lớn của nước ta như carbon, benzen, ôxít lưu huỳnh và bụi là những tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, bạch cầu và ung thư, trong đó lượng khí thải do ôtô, xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tuy nhiên, không giống như ôtô đang lưu hành phải kiểm tra định kỳ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, thì xe máy ngoài việc phải đăng ký cấp biển số thì tham gia giao thông chưa phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào. Vì vậy, đây được xem là nguồn phát thải chính các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí.

Người Việt “mắc” bệnh do hít nhiều khí thải xe máy autodaily-xemay-(2).jpgLượng xe máy gia tăng đang khiến các thành phố lớn ở Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới xe máy là một trong những phương tiện giao thông chủ yếu. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng hàng năm của các phương tiện nêu trên khá cao, tốc độ tăng bình quân xe máy của những năm 90 là 11,94% … Tại thời điểm 31/12/1999, cả nước có 5.585.000 xe máy hoạt động, cuối năm 2003 tăng lên đến khoảng 11 triệu xe máy, cuối năm 2004 thì con số tương ứng là 13 triệu xe máy theo số liệu của Đăng kiểm Việt Nam. Năm 2008 ước tính cả nước ta có khoảng 20 triệu xe máy và đến thời điểm hiện tại, ước tính nước ta có khoảng gần 40 triệu xe máy.

Phần lớn xe máy tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội (12%), thành phố Hồ Chí Minh (30%) … gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại đây, nồng độ các chất độc hại tại một số nút giao thông gần khu dân cư vào giờ cao điểm đã vượt quá giới hạn cho phép. Có thể nói, vấn đề ô nhiễm do khí thải của động cơ đã mang tính thời sự toàn cầu và Việt Nam của chúng ta cũng không thể là một ngoại lệ.

Số lượng xe máy tăng nhanh gây áp lực lớn với không khí ở các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Loại phương tiện nói trên - gồm nhiều chủng loại - đã qua nhiều năm sử dụng nên có chất lượng kỹ thuật thấp, mức tiêu hao nhiên liệu cao và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao. Khói thải từ các phương tiện này góp đến 70% ô nhiễm ở các thành phố.

Ba đô thị loại một khác như Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế cũng đều có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn, đứng đầu là Hải Phòng. Những thành phố có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển, mật độ giao thông khá cao như Biên Hòa, Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, mức độ ô nhiễm bụi trên các trục đường giao thông, các khu công nghiệp và khu dân cư lân cận đều vượt tiêu chuẩn.

Theo một báo cáo khác, mức độ phát thải riêng của xe máy so với xe con và xe bus rất cao (mức độ phát thải độc hại của một xe máy tương đương với khoảng 40 xe ôtô con) và gây tai nạn giao thông cũng như tắc đường nhiều nên nhiều nước phải đưa ra chính sách hạn chế xe máy. Cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ tăng xe máy hàng năm ở Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua nằm trong khoảng 10-20%. Do cơ sở hạ tầng phát triển và thu nhập của đại đa số người dân còn thấp nên phương tiện đi lại chủ yếu và đặc biệt ở thành phố trong những năm tới vẫn chủ yếu là xe máy.

Người Việt “mắc” bệnh do hít nhiều khí thải xe máy khi-thai-xe-may-(1).jpgMỗi năm, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổn thất hàng chục triệu đô vì khí thải xe máy

Mỗi năm, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổn thất hàng chục triệu đô vì khí thải xe máy. Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là với đường hô hấp. Tại các khu tập trung đông dân cư tỷ lệ mắc bệnh viêm phế quản là 6,4%, cao gấp gần 3 lần so với một xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Tại Hải Phòng, tất cả các triệu chứng và bệnh liên quan đến đường hô hấp ở nơi bị ô nhiễm đều cao hơn nơi không bị ô nhiễm từ 1,9 đến 7,6 lần. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người mắc bệnh lao cao hơn hẳn các tỉnh và thành phố khác.

Các nghiên cứu cũng cho thấy trong các phương tiện giao thông, người đi xe máy chịu tác động của ô nhiễm không khí nặng nhất, tiếp đến là đi xe con. Ít bị ảnh hưởng nhất là đi xe buýt.

Lam Anh (Trithucthoidai)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm