10:00  | 

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911

Porsche 911 là một trong những dòng xe biểu tượng của lịch sử ngành công nghiệp xe hơi. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, từ phiên bản gốc đã sinh ra hàng loạt những biến thể khác nhau, gây ra sự rắc rối khi phân biệt.

Khi nhắc đến Porsche 911, ai cũng thường chỉ nghĩ đơn giản về một chiếc xe danh tiếng với ngoại hình thể thao và khối động cơ được đặt phía sau. Dáng vẻ bên ngoài có thể không thay đổi nhưng bên trong lại là sự cải tiến mạnh mẽ để khách hàng luôn được cảm giác như trên một chiếc xe đua.

Kể từ khi ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 1964, Porsche đã làm bối rối người tiêu dùng với 16 biến thể dựa trên 3 phong cách chính: Coupe, Targa và Cabriolet. Đi kèm 2 hệ dẫn động tuỳ chọn với nhiều loại động cơ. Với sự phong phú vể kiểu dáng này, Porsche đã gây không ít sự hiểu lầm khi phân biệt giữa các biến thể. Sự khác biệt giữa 911 Carrera và 911 Carrera 4S là gì? Nhận biết 911 GT3 RS bằng đặc điểm nào? Bài viết sau sẽ làm mọi thứ sáng tỏ hơn.

911 Carrera/S và Carrera 4/4S

Phiên bản 2017 là sự thay đổi bất ngờ của Porsche sau hơn 50 năm cố gắng duy trì động cơ 6 xy-lanh phẳng, không có turbo trên tất cả dòng xe; giờ đã được thay thế bằng động cơ tăng áp. Việc áp dụng động cơ tăng áp cũng phù hợp với những quy định về khí thải ngày càng nghiêm ngặt hơn, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu suất mà khách hàng mong đợi, thậm chí có phần mạnh hơn và giảm thiểu được sự tiêu hao nhiên liệu so với động cơ kiểu cũ.

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911 cz16u03ix0003-low.jpg

Với công suất 370 mã lực của phiên bản tiêu chuẩn, việc đạt tốc độ 100km/h mất 4 giây nhưng với phiên bản S, với công suất 420 mã lực, chỉ 3.7 giây để có thể đạt được vận tốc này. Một điểm nữa khác biệt giữa 2 phiên bản là sự lựa chọn giữa hộp số sàn 7 cấp hoặc hộp số tự động ly hợp kép PDK của Porsche.

Trong các dòng 911 thì Carrera được hỗ trợ tuỳ biến nhiều nhất theo cá tính của người dùng. Bạn có thể sở hữu một phiên bản Coupe hoặc Cabriolet với hệ dẫn động 4 bánh của Carrera 4. Ngoài ra, người dùng còn có thể lựa chọn các sự thay đổi khác như: lốp nhẹ hơn, ghế thể thao, hệ thống âm thanh vòm của Brumester, phanh đĩa bằng gồm và nhiều thứ khác nữa.

911 Targa 4 và 4S

Porsche không sản xuất bất kì phiên bản Cabriolet nào cho đến những năm 80. Vậy nếu bạn muốn một chiếc Porsche mui trần thì sao? Và phiên bản Targa được ra đời vào cuối những năm 60 để thỏa mãn sở thích đó.

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911 42.jpgPorsche 911 Targa

Vào năm 1972, Cục quản lý an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia không cho phép sử dụng xe mui xếp mềm trên cao tốc với lý do không an toàn cho người sử dụng khi có tai nạn xảy ra mà xe bị lật. Porsche đã chiều lòng "thượng đế" bằng việc sản xuất phiên bản 911 Targa để thay thế cho mẫu xe 365 Cabriolet đang thịnh hành lúc bấy giờ. Targa có một mái che bằng thép có thể tháo rời với cửa sổ phía sau bằng nhựa. Một khung thép được gia cố xung quanh khoang lái giúp bảo vệ người điều khiển khi bị lật xe. Và Targa đã thành công ngoài mong đợi của Porsche, nó nhanh chóng trở thành mẫu xe chiến lược của dòng 911. Cơ chế mái gập của Targa hiện nay là một thành tựu ấn tượng về mặt kỹ thuật. Một bộ động cơ điện nhấc cửa sổ phía sau khỏi khớp cố định, mái che được được xếp gọn vào khoang và phần kính tự động được lắp lại như cũ.

Giống như 911 Carrera hay Carrera S, Targa cũng sử dụng động cơ tăng áp sản sinh công suất 370 hoặc 400 mã lực. Một điều thú vị là Targa chỉ có phiên bản sử dụng hệ dẫn động bốn bánh. Nếu ai muốn cảm giác lái thật hơn thì nên gắn bó với Carrera Cabriolet.

911 GT3 RS

Với fan của Porsche khi đối diện với GT3, ai cũng sẽ bị cuốn hút với mẫu xe được đánh giá cao nhất trong "đội tuyển" 911 vì ẩn bên dưới ngoại hình đường phố là một sức mạnh luôn sẵn sàng cho một cuộc đua ngẫu hứng nào đó. Với GT3 là vậy và GT3 RS là một bước tiến xa hơn.

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911 porsche-911-gt3-image.jpg

Một khe thông gió to ở phía trước vừa có nhiệm vụ dẫn hướng gió cho xe ổn định hơn ở tốc độ cao vừa làm mát cho bộ phận phanh trước. Gió từ bên ngoài được dẫn vào làm mát cho động cơ nhờ hốc gió ở hông xe. Phía sau là cánh gió bằng sợi carbon giúp "nén" thân xe xuống mặt đường khi di chuyển với vận tốc cao.

Phiên bản tiêu chuẩn Club Sport của Porsche bao gồm các trang bị như: dây đai 6 điểm dành cho xe đua, bộ ghế đua chuyên dụng, bình cứu hoả và một khung lồng bảo vệ nơi ghế lái. "Dàn áo" và khung gầm của 911 GT3 RS là một bản giao hưởng của nhiều loại vật liệu như: trần làm bằng ma-giê, ghế bằng sợi carbon và phanh làm từ gốm.

Khác với những biến thể khác, GT3 RS vẫn trung thành với động cơ 4 lít, 6 xy-lanh thẳng hàng cho ra công suất cực đại đến 500 mã lực. GT3 RS chỉ sử dụng hộp số ly hợp kép PDK của Porsche và mất 3.1 giây để có thể đạt vận tốc 100km/h. Tốc độ tối đa của xe có thể đạt ngưỡng đến 310km/h. Thân xe rộng, lốp to, hệ thống đánh lái bánh sau và hệ thống định hướng mô-men xoắn luôn giúp cho GT3 RS luôn nổi bật trong những chiếc xe đua của hãng.

911 R

Chữ R phía sau có thể cho thấy được phần nào giá trị của chiếc xe. Hãng thường sử dụng chữ R này trên một số nhỏ mẫu xe đã được chuẩn bị cho các giải đua trên đường phố và những cuộc thử nghiệm tốc độ trong suốt những năm 60.

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911 porsche-911-r-image.jpg

Mẫu 911 R lấy một số ý tưởng từ GT3 RS và nâng cấp thêm lên. Ví dụ như 911 R nhẹ hơn GT3 đến gần 50kg nhờ việc thay thế tất cả kính cửa số thành nhựa trong. Porsche cũng cải tiến hệ thống đánh lái bánh sau để có thể vào cua tốt hơn. Không giống với GT3 RS, 911 R sử dụng hộp số sàn 6 cấp. Tuy cùng sử dụng khối động cơ 4 lít, 6 piston thẳng hàng và công suất 500 mã lực nhưng gia tốc ở mức 100km/h của 911 R thấp hơn 0.6 giây so với GT3 RS. Bù lại, vận tốc của 911 R có thể đạt đến 321km/h.

911 Turbo/Turbo S

Vào những năm 70 của thế kỉ trước, Porsche phát triển mẫu xe 911 Turbo để thi đấu trong các giải đua quốc tế, nhất là giải 24 Hours of Le Mans. Do đó có thể coi 911 Turbo là cột mốc quan trọng của Porsche.

“Rắc rối” chuyện phân biệt các dòng xe Porsche 911 porsche-911-turbo-image.jpgBiến thể Turbo của dòng Porsche 911.

Theo luật của FIA thời đó, Porsche bắt buộc phải "thừa nhận sự tồn tại" của 911 Turbo là chỉ để dành cho đua. Có nghĩa là đây là phiên bản được sản xuất hạn chế để phục vụ cho việc tranh tài trong trường đua. Hãng chỉ định sản xuất 400 chiếc với "mật danh" 930 và ngừng hẳn tại con số này. Thế nhưng số lượng khách hàng yêu mến phiên bản này ngày càng đông và Porsche quyết định khôi phục lại việc sản xuất. Kể từ đó, 911 Turbo trở thành mẫu xe chiến lược của hãng.

Ngày nay, 911 Turbo được sản xuất với 2 phiên bản: Turbo tiêu chuẩn và Turbo S. Cả 2 đều sử dụng động cơ tăng áp kép 3.8 lít, 6 xy-lanh phẳng nhưng có một chút sai khác trong việc tinh chỉnh. Mẫu tiêu chuẩn có công suất 540 mã lực trong khi phiên bản S cói công suất 580 mã lực. Cả 2 phiên bản đều được trang bị hộp số ly hợp kép PDK và hệ dẫn động 4 bánh. Khả năng gia tốc từ 0-100km/h của 2 phiên bản lần lượt là 2.9 giây và 2.8 giây cho bản chuẩn và bản S. Vận tốc tối đa của phiên bản chuẩn ở mức 318km/h còn bản S là 329km/h.

Nhật Thanh (Trithucthoidai)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm