15:27  | 

Gần 22.000 doanh nghiệp ôtô, xe máy "bỏ cuộc": Vì đâu nên nỗi?

Cạnh tranh khốc liệt cùng với các điều kiện thị trường khiến nhiều doanh nghiệp ô tô, xe máy "ngao ngán" và phải "rời cuộc chơi".

Gần 90 DN "dừng cuộc chơi" mỗi ngày

Số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho biết, tính đến hết tháng 8, cả nước có hơn 2.900 doanh nghiệp sản xuất ô tô xe máy phá sản (chiếm đến gần 40% tổng số doanh nghiệp bị phá sản), 18.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong đó, gần 7.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn và gần 12.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không thời hạn.

Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô xe máy luôn đứng đầu danh sách các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động phân theo loại hình. Với gần 22.000 doanh nghiệp ô tô xe máy phá sản và tạm ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm, như vậy mỗi ngày sẽ có khoảng gần 90 doanh nghiệp không hoạt động trên thị trường.

Còn theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 30.724 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô xe máy đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới là 134.654 tỷ đồng, tăng lần lượt là 18% và 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, ngành vận tải kho bãi có 4.061 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 21.813 tỷ đồng, đều giảm 5,2% và 4,4% so với năm trước. Đây là lĩnh vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp đăng lý thành lập mới giảm so với cùng kỳ.

Gần 22.000 doanh nghiệp ôtô, xe máy

Vì đâu nên nỗi?

Cạnh tranh khốc liệt cùng với các điều kiện thị trường cản trở nên số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ô tô xe máy tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ khai tử và lâm vào tình trạng khó khăn buộc phải ngừng hoạt động.

Năm 2017, khi mốc thời điểm thuế trong khu vực giảm nhanh xuống 30% thì ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam còn đang ngổn ngang rất nhiều khó khăn. Có thể thấy hiện “vốn liếng” của ngành CN ô tô Việt Nam chẳng có là bao. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 17%/năm) nhưng dung lượng thị trường ô tô hiện nay rất nhỏ. Năm 2010, tổng lượng xe tiêu thụ chỉ đạt gần 185.000 xe, các năm tiếp theo cũng loanh quanh ở mức dưới 200.000 xe. Năm 2014, thị trường đạt tốc độ tăng trưởng đột biến nhưng cũng chỉ đạt gần 250.000 xe và năm 2016 khoảng 300.000 xe.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, người tiêu dùng Việt đang có chung suy nghĩ chờ đợi mua xe giá rẻ vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN vào Việt Nam từ 30% sẽ giảm về 0%. Chính vì lý do đó nhiều đại lý bán lẻ, sửa chữa ô tô đua nhau giảm giá, giảm lợi nhuận nhưng vẫn sức tiêu thụ xe vẫn giảm sâu.

Bên cạnh đó, từ năm 2017, kinh doanh ô tô không chính hãng (không được nhà sản xuất, nhà phân phối cấp phép) ngày càng khó khăn hơn khi kinh doanh ô tô bị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có cơ sở bảo hành và giấy tờ nhập khẩu chính hãng. Điều này khiến nhiều DN ô tô đang kinh doanh không thể trụ vững.

Ngoài ra, giữa tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã đề xuất chính sách siết chặt kinh doanh, nhập khẩu ô tô cũ, xe chạy lướt về Việt Nam - mảng miếng vốn là nơi kinh doanh của rất nhiều DN xe hơi nhỏ và vừa của Việt Nam.

Theo đó, bên cạnh điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện ôtô về 0% còn thay đổi cả cách tính thuế nhập khẩu đối với ôtô cũ, theo chiều hướng tăng mạnh ở tất cả các dòng từ xe con, xe khách tới xe tải. Việc điều chỉnh này được cho là động thái nhằm hạn chế xe cũ nhập khẩu để kiểm soát chất lượng, mức độ ảnh hưởng môi trường và cao hơn là bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu đề xuất này thành hiện thực gần như ôtô cũ không còn đường về Việt Nam.

Trước đó, năm 2011, Bộ Công thương ban hành Thông tư 20 quy định xe mới nhập về Việt Nam phải do các công ty hoặc đại lý chính hãng thực hiện. Các showroom bên ngoài lách quy định này bằng cách nhập về xe "lướt", tức đã qua sử dụng 6 tháng hoặc 10.000 km. Nhưng cũng chỉ có các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt mới trụ lại trên thị trường.

Hồi giữa 2016, Bộ Công thương ra đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cũ cũng phải có giấy xác nhận của hãng ở nước ngoài về việc chỉ định nhà nhập khẩu và thay mặt triệu hồi xe khi xảy ra lỗi. Quy định này mới, nhưng thực chất cũng có hiệu lực tương tự thông tư 20, thậm chí chặt chẽ hơn nhiều. Các showroom tư nhân đứng trước nguy cơ phá sản vì việc hãng ở nước ngoài cấp giấy chỉ định cho một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam gần như là không thể.

Với đề xuất tăng thuế nhập khẩu xe cũ này của Bộ Tài chính, giả sử một doanh nghiệp thỏa mãn được yêu cầu mới của Bộ Công thương thì với mức thuế mới, giá mới cao "ngất ngưởng", việc tìm kiếm khách hàng còn khó khăn gấp nhiều lần.

Một đề xuất khác là yêu cầu tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô bán tải (pickup) tại Việt Nam từ 15% - 25% trước đây lên 30% đến 54% sau 2018 tùy theo dung tích) như các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi khác. Điều này lại thêm khó khăn cho các DN kinh doanh xe, bởi giá xe bán tải sẽ đắt hơn hàng trăm triệu đồng/chiếc.

Quyết tâm đầu tư, song điều mà các DN mong mỏi đó là Chính phủ phải nhanh chóng có những ưu đãi thực sự và khác biệt thì sản xuất trong nước mới đủ mạnh để cạnh tranh với sản phẩm NK từ ASEAN có thuế suất 0% vào năm 2018.

Theo EnterNews

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm