10:25  | 

Cơ hội mua ôtô giá rẻ của người Việt Nam: Khép lại giấc mơ

Giấc mơ được sở hữu những chiếc ôtô giá rẻ phù hợp với thu nhập và túi tiền của mình đối với người tiêu dùng Việt Nam đã gần như khép lại khi mà cùng với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô bằng 0% thì sẽ có hàng loạt “hàng rào” phí và lệ phí khác được dựng lên.

Chúng tôi đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề trên.

- Thưa ông, năm 2018 chính là thời điểm mà thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%, theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này có giúp tăng thêm cơ hội sở hữu ô tô cho người tiêu dùng Việt Nam không khi mà thu nhập phần lớn người Việt còn thấp?

Trước hết phải nói rằng, việc ô tô hạ giá theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có vẻ như Việt Nam mang tính đối phó nhiều hơn vì thực tế phía Việt Nam không chủ động làm điều này.

Điều này dĩ nhiên là có lợi cho người tiêu dùng. Cùng với đó, nếu như các cơ quan quản lý nhà nước vẫn để bình thường mà không có những hành động can thiệp gì mạnh mẽ thì lượng ô tô ở Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên rất nhanh.

Cơ hội mua ôtô giá rẻ của người Việt Nam: Khép lại giấc mơ ngay-hoi-hyundai-grand-i10-12.jpg

Khi người dân có cơ hội để sở hữu ô tô giá rẻ và có phương tiện ô tô để đi lại thì phải nói rằng điều đó có lợi cho người dân. Đó là góc nhìn ở khía cạnh người tiêu dùng.

Nhưng còn ở góc độ của nhà quản lý thì góc nhìn của họ có thể sẽ khác. Họ sẽ nhìn nhận giữa vấn đề tiêu thụ ô tô với vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông xem có tương thích với nhau hay không.

Khi mà họ nhận thấy việc tăng số lượng ô tô vượt quá quy hoạch trong kế hoạch của mình về giao thông, về đô thị thì chắc chắn họ sẽ tìm cách để hạn chế. Và như vậy thì dĩ nhiên, chuyện thuế nhập khẩu ô tô giảm xuống 0% thì cũng không có tác động gì nhiều đến thị trường ô tô ở trong nước.

- Thưa ông, ông vừa nói đến việc cơ quan quản lý tìm cách hạn chế ô tô nhập khẩu, vậy cụ thể gồm những gì?

Hạn chế ô tô thì có nhiều cách. Thông thường thì cơ quan quản lý sẽ sử dụng phương pháp hạn chế về hành chính.

Cụ thể là cơ quan quản lý sẽ có hàng loạt rào cản về chính sách để “gây khó” cho người tiêu dùng khi mua ô tô như buộc người tiêu dùng khi mua ô tô phải thông qua bắt thăm, đăng ký các tiêu chuẩn khác...

Điều này chúng ta có thể thấy như cách quản lý ô tô ở Thượng Hai hay Bắc Kinh của Trung Quốc. Biện pháp này gây nên rất nhiều phiền hà cho người dân.

Tất nhiên, giá ô tô sẽ không thay đổi. Song có điều để có thể mua được chiếc ô tô ấy để sử dụng thì phải trải qua rất nhiều các thủ tục hành chính rất phức tạp.

Thậm chí các thủ tục này còn có sự thiếu minh bạch, tạo cơ sở cho các tiêu cực nảy sinh. Điều đó có nghĩa để có thể đáp ứng được các thủ tục đó để mua chiếc ô tô thì người tiêu dùng sẽ phải tốn rất nhiều các khoản tiền khác ở bên ngoài như để lót tay, bôi trơn.

- Theo ông, ở Việt Nam có áp dụng biện pháp hành chính không, bởi nếu áp dụng thì có nghĩa giá ô tô nhập khẩu vẫn sẽ giảm và người tiêu dùng vẫn có cơ hội để sở hữu ô tô giá rẻ?

Cũng chưa hẳn. Vì ngoài biện pháp hạn chế về hành chính thì các cơ quan quản lý còn biện pháp kinh tế nữa. Đây mới là biện pháp quan trọng và thực sự tao ra những rào cản đối với người tiêu dùng.

Khi áp dụng biện pháp kinh tế để hạn chế ô tô thì chắc chắn nhà nước sẽ tăng thuế. Tăng thuế ở đây có thể là trung ương trực tiếp làm hoặc sẽ là địa phương làm. Việc tăng thu thuế, phí ở đây nhằm hai mục đích: một là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; hai là qua đây họ cũng muốn hạn chế việc tăng số lượng ô tô trong khi mà điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa cho phép.

Các biện pháp kinh tế ở đây cụ thể sẽ là tăng các loại thuế, phí trừ thuế nhập khẩu.

Theo thông tin tôi được biết là sắp tới cơ quan quản lý sẽ tăng các loại phí liên quan đến ô tô nhập khẩu lên rất cao.

Cơ hội mua ôtô giá rẻ của người Việt Nam: Khép lại giấc mơ bmw-euro-auto-2.jpg

Ở đây, chúng ta nên học các bài học ở các thành phố lớn như New York (Mỹ) hay Singapore. Tại các thành phố lớn của các nước này, họ cũng sử dụng các biện pháp kinh tế để hạn chế ô tô. Ở đây, họ tăng các loại phí bãi đỗ xe ô tô rất là cao, tăng phí khi ô tô chạy vào các khu phố trung tâm, và kể cả các loại phí như thuế phí trước bạ khi mua xe, thuế tiêu thụ đặc biệt, v.v...

Từ câu chuyện trên thì chúng ta có thể hình dung ra được vấn đề và dự đoán được thị trường ô tô ở Việt Nam trong một vài năm tới sẽ như thế nào rồi.

Cơ quan quản lý sẽ vẫn duy trì quản lý mà khi người dân mua được ô tô thì vẫn ở mức tương đối đắt. Từ đó giảm lưu lượng phương tiện ô tô khi tham gia lưu thông khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Đây là ý chí của nhà quản lý, chứ nó không phụ thuộc vào yếu tố thị trường.

- Điều đó có nghĩa là chuyện giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 0% cũng không có tác động gì nhiều đến thị trường ô tô tại Việt Nam?

Đúng thế. Những rào cản được dựng lên để hạn chế người dân sở hữu ô tô nói chung chứ không riêng gì ô tô giá rẻ. Bởi vì nhà quản lý không muốn người dân sở hữu nhiều ô tô, họ cũng không muốn số lượng ô tô tăng nhanh trong các đô thị vì những hệ lụy đi kèm. Đó là góc nhìn của nhà quản lý.

Nên giấc mơ ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam sau khi thuế nhập khẩu giảm ở mức 0% có thể sẽ vẫn là giấc mơ thôi, để trở thành hiện thực thì còn một khoảng cách rất xa.

Và như thế chúng ta cũng có thể hình dung là thị trường ô tô ở Việt Nam hiện nay với những năm tới có thể cũng vẫn sẽ không biến động gì nhiều khi mà mức chi phí thực tế khi phải trả để được sở hữu một chiếc ô tô của người tiêu dùng vẫn ở mức rất cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lưu Thủy (VTC News)

Ý kiến đánh giá (4)


Có thể bạn quan tâm