Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:14
10:05 |
Giấc mơ ôtô Việt: Đừng so sánh với "con tỷ phú Mỹ"
Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà ngay cả doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cũng xin được tiếp tục ưu đãi để phát triển.
Những lý do đưa ra để lý giải cho việc chính sách cần tiếp tục ưu đãi đối với ngành ô tô đã được các doanh nghiệp đề cập rõ tại Tọa đàm Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chiều 27/4.
Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ
Dư luận vẫn đang bàng hoàng với các điều kiện mà Toyota đưa ra với Chính phủ với con số đề nghị lên tới tỉ USD để hãng này quyết định có tiếp tục ở lại Việt Nam thì tiếp đến là lời đề nghị của doanh nghiệp trong nước.
“Lo lắng của các doanh nghiệp đến năm 2018 thuế suất về 0%, tôi cũng lo”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải cho biết.
Theo ông Dương, với câu chuyện của Toyota, hầu hết linh kiện của Toyota nhập về từ ASEAN với mức thuế suất 5%. “Khi thuế suất bằng 0, nếu nhập xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp ô tô, Toyota sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện và chi phí lắp ráp”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thaco Trường Hải cũng lo ngại khi hội nhập ASEAN, trong khi Việt Nam mở cửa thì các nước Malaysia, Thái Lan... tất cả đều có bảo hộ.
"Dùng bảo hộ nghe “nặng” nhưng đó là trợ lực phát triển sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ lớn. Bản thân tôi không xin quá nhiều, và không thể dựa vào bảo hộ để phát triển sản xuất lâu dài”, ông Dương cho biết.
“Nếu so sánh phân tích tất cả các ngành công nghiệp hiện nay, phải thấy được rằng cũng rất khó để có thể phát triển được trong bối cảnh hiện nay, nếu không có chiến lược nhất định để nuôi dưỡng, tạo điều kiện để có các dự án phát triển thì mãi mãi không mở được thị trường”, ông Dương nói.
“Nếu làm được điều này, tôi thấy chúng ta có thể làm được công nghiệp ô tô, nhưng mong muốn xã hội đừng kỳ vọng quá lớn, quá cao với cái chúng ta muốn. Đừng so sánh con nhà nghèo ở quê với con tỷ phú Mỹ.
Thái Lan, Indonesia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1970, còn chúng ta thực sự mới làm từ 2004, với điểm xuất phát điểm về nền kinh tế, kể cả thu nhập... đều thấp. Giờ chúng ta xác định đã đến thời điểm hy vọng về phát triển ô tô đã lớn hơn, đã có khả thi hơn”, ông Dương nói.
Cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đều muốn được hỗ trợ.
Chính sách chỉ để DN lắp ráp hưởng lợi
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam thời gian qua chủ yếu giúp các doanh nghiệp lắp ráp hưởng lợi, trong khi doanh nghiệp muốn làm nội địa hóa lại chưa tiếp cận được.
Do vậy theo ông, "chính sách đưa ra phải minh bạch và phải được thực hiện đầy đủ," ông Huyên kiến nghị.
Trong khi đó, năm 2018, thuế suất đối với lĩnh vực ôtô sẽ đưa từ mức 50% về 0%, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn cho ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Do vậy, để có sự chuẩn bị tốt, qua đó nâng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, theo kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Huyên, Nhà nước cũng cần xem xét lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Cũng chung quan điểm này, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam đề nghị, chính sách phải tập trung cho những doanh nghiệp đang sản xuất ôtô trong nước, ngoài việc xem xét lộ trình thuế và ưu đãi vốn, cần có những ưu đãi cho các dự án cụ thể.
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi đúng hướng".
Theo Phương Nguyên (Baodatviet)
Ý kiến đánh giá