Thứ Ba, 10/09/2024 | 01:47
15:57 |
6 việc nên làm để hết tắc đường ở Việt Nam
Đặc thù giao thông mỗi thành phố là khác nhau, nên giải pháp cần cụ thể chi tiết mới có thể hiệu quả.
Tôi là du học sinh cao học ngành kỹ thuật môi trường tại Đại học kỹ thuật Munich, Đức (Technische Universität München). Tôi từng làm việc hơn một năm ở Singapore, đi công tác nhiều nước và được trải nghiệm khá nhiều hệ thống giao thông công cộng.
Để tránh lãng phí xăng dầu, kẹt xe tắc đường và giảm ô nhiễm môi trường thì phương tiện giao thông công cộng luôn là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng thực hiện thế nào thì tùy vào từng trường hợp cụ thể của từng thành phố với đặc điểm đô thị và cơ sở hạ tầng khác nhau. Tôi xin có bài viết đóng góp cho giao thông TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
1. Thu phí phương tiện giao thông cá nhân vào trung tâm thành phố
Ở Singapore gọi là CBD, nên thu vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ, ví dụ các quận 1, 3 và một vùng quận Bình Thạnh giáp hai quận trên từ ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, vòng xoay Hàng Xanh và vòng xoay CMT8 và các ngã tư khác, cụ thể thì Sở GTVT sẽ xác định rõ tuyến đường có mật độ cao.
2. Yêu cầu các phương tiện gắn máy đọc thẻ từ gắn chip GPS kiểm soát bắt buộc.
Đây là dạng thẻ đa năng, gồm chức năng trả tiền đỗ xe trong bãi xe và cả ở lề đường, tiền lệ phí qua cầu, đường và đường cao tốc hoặc vào khu trung tâm vào giờ cao điểm. Singapore áp dụng thẻ này gắn cả trên xe máy và xe hơi, gọi là Autopass Card. Chủ phương tiện có thể nạp tiền vào thẻ khi gần hết tại các máy bán vé xe buýt và vé Metro giống như ATM.
Nên bổ sung thêm chức năng phạt nóng của thẻ. Khi tài xế dừng quá vạch, vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ thì cảm biến gắn ở các đèn đỏ ngã tư hoặc trên cao tốc sẽ báo trừ tiền trong thẻ tự động, email và tin nhắn đăng ký khi làm thẻ sẽ giúp tự động gửi biên lai phạt, giảm tải cho CSGT. Thẻ này liên kết với thẻ ngân hàng của chủ xe, nếu đã bị trừ âm thì thẻ ngân hàng cũng ghi nợ, tính lãi suất. Phương tiện nào không đăng ký với thẻ ngân hàng hoặc ra đường không gắn thẻ, CSGT cầm máy dò (cũng là cảm biến đã nói ở trên) kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện và phạt giữ xe vĩnh viễn.
Cụ thể, triển khai cho giải pháp này là yêu cầu các chủ phương tiện khi đăng ký xe mới mua phải gắn máy đọc chip hoặc yêu cầu nhà sản xuất phải tích hợp sẵn lên tất cả các phương tiện, còn thẻ thì khi làm thủ tục đăng ký, yêu cầu đóng trước một số tiền, ví dụ hai triệu đồng vào tài khoản của thẻ này để đảm bảo. Ngoài ra có thể kết hợp thẻ này làm đăng ký xe gồm thông tin đầy đủ về chủ phương tiện.
3. Lập các tuyến xe buýt trường học bổ sung
Chỉ vận hành vào các giờ 6h-7h, 11h-12h và 16h-18h30 từ các cửa ngõ vành đai trung tâm thành phố. Cha mẹ học sinh đưa con đến các bến xe buýt trung tâm có đội bảo vệ này, để học sinh từ cấp mẫu giáo, cấp một đến cấp ba tự leo lên các chuyến xe buýt đi ngang trường của mình một cách an toàn. Xe bus khởi hành 5 phút một chuyến, không dừng giữa đường, chỉ dừng đúng cổng các trường học trong tuyến của mình.
Việc này giảm kẹt xe do việc phụ huynh đến chờ đón con ở các cổng trường như hiện nay. Thực tế trung tâm thành phố có hơn 30 trường các cấp từ mẫu giáo đến cấp ba, mỗi trường lại có vài ngàn học sinh thì mỗi buổi sáng, buổi chiều số lượng xe máy, xe hơi của PHHS đưa đón con ở các trường là nhiều kinh khủng, tắc đường là từ nguyên nhân này. Nếu có xe bus “trường học” thì phụ huynh yên tâm hơn cho con mình đi và cũng đỡ mất thời gian đưa đón sớm. Nếu cha mẹ chưa về đón con ở trạm xe bus thì cũng có bảo vệ trông giúp. Các xe này sau ngoài giờ cao điểm chỉ chạy giãn hơn, khoảng 30 phút một chuyến, số còn lại thì có thể tham gia vào các tuyến xe công cộng khác.
4. Xây các nhà giữ xe cao tầng khổng lồ ở các ngõ vào trung tâm thành phố
Ví dụ ở chân cầu Sài Gòn đoạn Nguyễn Hữu Cảnh hoặc đại lộ Võ Văn Kiệt gần hầm chui, Lăng Cha Cả và công viên Gia Định, đồng thời cũng là bến xe bus nội thành, chuyên chạy trong các tuyến đường chính vào các khu văn phòng cao ốc trung tâm. Các tuyến xe đan xen như ô cờ. Mật độ 5 phút một chuyến vào giờ cao điểm sáng và chiều. Người đăng ký gửi xe tháng (cũng bằng thẻ ở mục 1) thì được giảm giá đi xe bus bằng thẻ này. Chương trình khuyến mại nạp thẻ cuối tuần được giảm giá 10% giúp nhắc nhở nạp tiền đi xe đều đặn.
Xe máy lạnh chạy động cơ điện hoặc khí ethanol giảm giá cho người đăng ký theo quý theo năm. Người già đã nghỉ hưu và trẻ em được miễn vé. Những năm đầu nhà nước trợ giá để thu hút người tham gia chương trình, mục tiêu dần dần thay đổi thói quen đi lại của giới trẻ. Sau khi đã có thói quen đi xe buýt thì có thể tăng giá từng bước để thu hồi vốn đầu tư.
5. Bổ sung cho việc giảm tải giao thông ngày Tết
Những ngày này nhu cầu đi về quê ăn Tết rất cao, lượng xe khách hằng ngày không đáp ứng đủ, do đó chúng ta có thể tận dụng linh hoạt, cho phép một lượng xe buýt nội thành “chạy trái tuyến” bổ sung đưa khách về quê và đón khách trở lại thành phố. Vì những ngày Tết thì học sinh nghỉ học, người lao động cũng không đến cơ quan, nhu cầu đi xe buýt nội thành giảm và chuyển sang đi ra tỉnh cao. Nếu không tận dụng lượng xe buýt này thì rất lãng phí. Dĩ nhiên là tài xế chạy tự nguyện và được trả lương cao hơn ngày thường, và có lẽ khách đi xe vẫn hài lòng vì có xe về quê ăn tết, thay vì phải đi xe cá nhân nguy hiểm.
6. Kinh phí thực hiện cho mục 1, thu ngay lúc đăng ký xe hoặc yêu cầu nhà sản xuất xe máy, xe hơi gắn các máy đọc, còn thẻ từ gắn chip thì lúc đăng ký. Việc này làm tăng giá phương tiện, cũng góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Cho mục 2, từ ngân sách bảo vệ môi trường, từ phí thu phụ huynh học sinh, từ ngân sách thành phố và đấu thầu quảng cáo trên thân xe buýt. Mục 3. Từ vốn BOT hoặc cho đấu thầu bãi giữ xe. Xe buýt vận hành từ nguồn thu từ bãi giữ xe và cả quảng cáo trên xe bus.
Theo độc giả Nguyễn Anh Thắng (VnExpress)
Ý kiến đánh giá (1)