Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:21
04:44 |
Vespa: Sự ra đời của một huyền thoại (phần 2)
Ít ai biết rằng, trước khi thành danh với Vespa, hãng xe Italia Piaggio từng là một trong những trung tâm sản xuất máy bay dân sự và quân sự hàng đầu châu Âu trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
>> Vespa: Sự ra đời của một huyền thoại (phần 1)
Đến Hồng Y giáo chủ cũng phải rung động
Ngày 23 tháng 4 năm 1946, Piaggio & CSPA chính thức đăng ký bằng sáng chế cho Vespa tới Văn phòng Bằng sáng chế Trung ương, Bộ Công nghiệp và Thương mại Italia tại thành phố Florence với nội dung mô tả như sau: “một mẫu xe chạy động cơ xăng, phức hợp nhiều bộ phận, bao gồm cả các chi tiết cơ khí cấu thành”. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Vespa đã nhận được đăng ký bản quyền và bằng sáng chế và bắt đầu xuất hiện chính thức trước công chúng.
Những ngày tháng đầu, phản ứng của cộng đồng khá hỗn loạn với nhiều ý kiến trái chiều. Dù vậy, Enrico Piaggio vẫn không ngần ngại triển khai sản xuất đại trà hai nghìn chiếc trong đợt đầu tiên dành cho phiên bản động cơ 98 cc.
Lựa chọn sự kiện ra mắt là buổi tụ hợp các đại gia câu lạc bộ Golf thanh lịch của Rome, trong đó có cả sự hiện diện của một số tướng lĩnh Mỹ - những người đại diện cho chính phủ quân đồng minh, chiếc xe được những tay chơi ngay lập tức chú ý bởi vẻ độc đáo chưa từng có trên thị trường. Sau đó, những người dân Italia bắt gặp hình ảnh đầu tiên của chiếc Vespa trên trang nhất tờ Motor (phát hành ngày 24 tháng 3 năm 1946) và tờ La Moto (phát hành ngày 15 tháng 4 cùng năm).
Chưa dừng lại, Piaggio tiếp tục gây chấn động Triển lãm Milan Show diễn ra sau đó vài tháng khi trình diễn quá trình vận hành thực tế của Vespa. Ngay lập tức chiếc xe nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đức Hồng Y Giáo chủ Schuster.
Phải thừa nhận rằng, “có bột mới gột nên hồ”. Không phải nghiễm nhiên mà Vespa có khả năng công phá thị trường mạnh mẽ đến thế. Thiết kế có một không hai của nó khiến cho cả nền văn minh nhân loại đến tận hôm nay vẫn còn phải ngã mũ kính phục và không ít người phát cuồng muốn trở thành chủ sở hữu.
Từ thái độ hoài nghi đến sự công nhận tuyệt đối
Mẫu Vespa đầu tiên trong lịch sử có phân khối 98cc được bán với hai mức giá: 55.000 Lira (đơn vị tiền tệ Italia) cho phiên bản thường và 61.000 Lira cho phiên bản cao cấp với một số tùy chọn bổ sung bao gồm đồng hồ báo tốc độ, chân trống cạnh và một lốp xe dự phòng màu trắng, phong cách gắn phía sau.
Đón nhận một thành viên mới với phong cách khác biệt hoàn toàn, thị trường khi đó chia thành 2 luồng quan điểm: một bên là những người đánh giá chiếc Vespa chính là hiện thực hóa một ý tưởng tuyệt vời, và bên kia là những người hoài nghi, chưa sẵn sàng chấp nhận một thứ đột phá đến vậy.
Ban đầu, khi vấp phải phản ứng không mấy tích cực đối với Vespa, Enrico Piaggio dự định lựa chọn Count Parodi – nhà sản xuất xe máy uy tín Moto Guzzi làm hãng độc quyền phân phối Vespa, nhằm giúp mẫu xe mới của mình gia nhập mạng lưới bán lẻ của một thương hiệu nổi tiếng hơn, có cơ hội sinh tồn cao hơn. Tuy nhiên, Count Parodi đã phũ phàng từ chối.
Thất bại ê chề ngay trong thương vụ hợp tác đầu tiên khiến không ít dư luận tin rằng Vespa sẽ sớm thất bại. Rất may cho Enrico (và có lẽ cho cả những tín đồ Vespa thời nay) là Lancia – một nhà phân phối cũng khá nổi tiếng khác đã nhận lời đỡ đầu cho Vespa. Tìm được đối tác chiến lược, trong những tháng cuối năm 1947, Piaggio tập trung đẩy mạnh sản xuất và năm sau đó Vespa bản 125cc xuất hiện, nhanh chóng tỏ ra là một sự kế thừa vững chắc cho Vespa 98cc đời đầu.
Giai đoạn khó khăn qua đi, Vespa đã thực sự trở thành "phép lạ". Sản lượng xuất xưởng từ mức chỉ vỏn vẹn 2.484 chiếc trong năm 1946 đã tăng lên 10.535 chiếc chỉ trong vòng 1 năm và tới năm 1948, tổng sản lượng đã vọt lên mức 19.822 chiếc.
Sau khi tạo dựng được danh tiếng tại thị trường nội địa, Piaggio bắt đầu mang Vespa đi chinh chiến ngoại quốc. Thế giới tỏ ra thực sự quan tâm tới mẫu xe tay ga mới, công chúng và báo chí bày tỏ sự tò mò lẫn ngưỡng mộ. Tờ The Times gọi đó là "một sản phẩm đặc chất Ý”. Nhận thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Vespa, Enrico Piaggio tiếp tục chiến lược hướng ngoại, tạo ra một mạng lưới dịch vụ rộng rãi trên khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới. Ông duy trì sự chú ý liên tục của dư luận, thậm chí là các ý kiến trái chiều xung quanh sản phẩm của mình nhằm gây dựng tiếng vang, bên cạnh việc tạo lập hàng loạt câu lạc bộ người hâm mộ Vespa một các có hệ thống. Không ít hơn 20.000 người đam mê Vespa trên khắp thế giới đã có mặt tại Italia trong ngày "Vespa Day" vào năm 1951, tức là chỉ sau khi thương hiệu con cưng ra đời chưa đầy 5 năm.
Triển vọng kinh doanh của Vespa Piaggio càng lúc càng mạnh, vượt qua biên giới quốc gia và vào năm 1953, nhờ những nỗ lực và quyết tâm không mệt mỏi, hãng đã có hơn 10.000 điểm dịch vụ trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, từ trong phim ảnh, trong văn học, trong quảng cáo cho tới ngoài đời thực, Vespa dần trở thành một những biểu tượng quan trọng nhất minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một xã hội đang chuyển minh. Năm 1950, chỉ bốn năm kể từ khi ra mắt, Vespa bắt đầu chính thức được sản xuất tại Đức bởi đối tác Hoffman-Werke; sau đó nhận được giấy phép sản xuất tại Anh (bởi Douglas Bristol) và tại Pháp (bởi ACMA Paris), trước khi có mặt tại Madrid, Tây Ban Nha vào năm 1953 dưới tên thương hiệu Piaggio España.
Ngày 22 tháng 2 năm 1964, Enrico Piaggio mua lại cổ phần toàn bộ số cổ phần của người em trai Armando tại Piaggio & CSPA, chính thức tiếp quản toàn bộ quyền lực tại hãng và chuyên tâm chèo lái Piaggio đi theo chiến lược kỷ nguyên cất cánh. Ngày nay, sau 67 năm tồn tại và phát triển, Vespa đã trở thành tượng đài cho văn hóa đương đại Italia, trở thành niềm kiêu hãnh của châu Âu và đánh gục hàng chục triệu trái tim người hâm mộ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, cái tên Vespa cũng khiến không dưới hàng trăm nghìn tín đồ mê xe nức lòng mỗi lần nhắc đến.
Phan Liên (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá