Thứ Sáu, 22/11/2024 | 17:27
05:35 |
Đi xe máy "độ" là sai luật
Thời gian gần đây, trào lưu “độ” xe máy ngày càng phát triển và lan rộng. Tuy nhiên, những người độ xe lại không biết rằng, việc lưu thông một chiếc “xế độ” trên đường là sai luật.
Hiện, nhiều chủ phương tiện xe máy đang có thú chơi “độ xe” (thay đổi lại một hay nhiều tính năng hoặc kiểu dáng không còn là chuẩn mực của nhà sản xuất) theo sở thích, phong cách của mình. Đó là một sự đầu tư không nhỏ cả về công sức lẫn tiền bạc. Song, theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, hành vi kể trên chưa được các nhà quản lý cho phép.
Ở Việt Nam vẫn chưa có giấy phép dành cho xe độ
Ông Trí cho hay: “Những chiếc xe máy được các hãng sản xuất thiết kế tính toán, thử nghiệm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và mục đích sử dụng cụ thể theo từng loại xe. Việc tự ý “độ xe” không theo hướng dẫn của hãng sản xuất làm thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, đặc tính kỹ thuật của xe làm cho thông số kỹ thuật xe không còn phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn chuyển động của xe, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông.
Việc “độ xe” có thể gây mất an toàn cho xe và người điều khiển hoặc gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông. Ví dụ, khi lắp bóng đèn của đèn chiếu sáng phía trước không đúng quy định có thể gây chói mắt cho người đi ngược chiều. Hay việc sử dụng lốp không đúng kích cỡ, kiểu loại sẽ làm sai lệch chỉ số đồng hồ tốc độ, không đảm bảo sự làm việc chính xác của hệ thống phanh, thay đổi chiều cao trọng tâm xe làm thay đổi về động học và động lực học của xe...
Tất cả các hành vi tự ý “độ xe” không thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đều nguy hiểm, gây mất ATGT và đều bị xử phạt khi tham gia giao thông theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Việc tự ý “độ xe” không theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, xe đó sẽ bị xử phạt khi tham gia giao thông
Trung tá Nguyễn Văn Quỹ - Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, việc xử lý hành vi độ xe thường phải căn cứ vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Đây là một khó khăn đối với lực lượng CSGT bởi trong quá trình kiểm tra rất khó để biết được thiết kế ban đầu và chiếc xe đã bị thay đổi kết cấu như thế nào.
Tuy nhiên, có một số hành vi dễ phát hiện, xử lý hơn như: Thay đổi màu sơn, bóng đèn, đặc biệt là việc thay đổi vị trí, kích thước, màu sắc của biển kiểm soát, hệ thống phanh… Những lỗi này áp theo luật sẽ bị xử phạt ở mức 200.000 đồng. Nếu phát hiện môtô, xe máy thay đổi kết cấu tổng thành thì sẽ phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Không chỉ bị CSGT xử phạt, những chiếc xe mua mới còn có thể bị từ chối bảo hành nếu đã “độ” khác thiết kế ban đầu.
Anh Đức (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá