Thứ Hai, 07/10/2024 | 15:07
15:05 |
CN ô tô Việt Nam: Doanh nghiệp nội, ngoại đua nhau đòi ưu đãi
Lấy lí do công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đủ lớn để "buông" theo sự phát triển của thị trường, các doanh nghiệp ô tô lần lượt xin ưu đãi, bảo hộ từ Chính Phủ.
Chiều ngày 27/4, Bộ Công thương tổ chức hội thảo bàn về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ngành công nghiệp ô tô VN chủ yếu vẫn lắp ráp
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng cho biết, về hiện trạng, tổng năng lực sản xuất- lắp ráp ô tô khoảng 460 nghìn xe, trong đó xe con là 200 nghìn xe; xe tải và xe khách đạt 215 nghìn xe/năm.
Phần lớn mới dừng lại ở lắp ráp giản đơn. Trong đó, xe con thì THACO đạt 15 đến 18%; Toyota VN đạt trên 37%, xe tải nhẹ THACO đạt trên 33%; Vinaxuki đạt trên 50%.
Ngành công nghiệp ô tô VN ra đời muộn so với các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ. Mức sống chưa cao nên dung lượng thị trường còn nhỏ.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, sản xuất ô tô VN đang đứng sau Thái Lan và Indonexia lần lượt là 881 nghìn xe và 1,2 triệu xe.
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, định hướng phát triển ngành được xác định như sau:
Ưu tiên phát triển xe tải và xe khách để phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, xe khách tầm trung và tầm ngắn;
Xe 9 chỗ: Các loại xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng và giá rẻ. Khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn với các đối tác chiến lược
Xe chuyên dung: Xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh-quốc phòng.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Về giải pháp, ngành công nghiệp ô tô đang được ưu đãi về chính sách thuế, chính sách khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất 3 dòng xe ưu tiên phát triển có công suất tối thiểu 100.000 xe/năm. Ngoài ra, để phát triển ngành công nghiệp ô tô của VN còn phải phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ.
Hàng loạt ưu đãi cho công nghiệp ô tô
Về chính sách hỗ trợ và ưu đãi: Đối với doanh nghiệp sản xuất 3 dòng xe ưu tiên được hỗ trợ chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Được xem xét hỗ trợ nguồn vốn với chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực.
Về thuế nhập khẩu: Lộ trình nhập khẩu xe xe nguyên chiếc từ 2015-2018 sẽ giảm từ 50%-0%. Phụ tùng, linh kiện ô tô được áp dụng mức thuế MFN từ 20,5%.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp: Nhà nước tạo điều kiện mở rộng dung lượng thị trường ô tô trong nước nên đối với các dòng xe ưu tiên sản xuất sẽ được hưởng ưu đãi mức thuế thấp hơn so với các dòng xe khác.
Hơn nữa, với từng dự án cụ thể sẽ được các ưu đãi khác nhau do Thủ tướng Chính Phủ quyết định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc xây dựng dự thảo các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Doanh nghiệp ô tô tiếp tục xin bảo hộ, ưu đãi
Có mặt tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho biết hiện nay Việt Nam vẫn được hi vọng là điểm đến của các nhà đầu tư chưa có cơ sở sản xuất ở ASEAN để sản xuất và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư họ đang e ngại bởi thị trường Việt Nam chưa đủ lớn. Vì vậy muốn có các dự án về ô tô lớn, thu hút được nước ngoài thì Việt Nam phải ưu đãi, ưu đãi cụ thể với từng dự án, đặc biệt với các dự án mang lại hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch Vinaxuki cho biết hiện nay lắp ráp ô tô có lợi nhuận lớn gấp nhiều lần so với việc nghiên cứu sản xuất ô tô.
"Xuất phát từ một người làm kĩ thuật, trải qua những năm làm lắp ráp ô tô đến bây giờ thì tôi thấy rằng chúng tôi làm chủ yếu là vì đất nước. Có người từng bảo tôi bán 5.000m2 đất để nuôi công nhân...", ông Huyên nói.
Từ đó ông Huyên cho biết trong gần 4 năm nay, công ty của ông không vay được vốn và yêu cầu các chính sách đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp phải được thực thi chứ không chỉ đưa ra rồi để đấy.
Trước nhiều băn khoăn về việc Toyota có thể rời bỏ Việt Nam, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận Toyota không dễ dàng rời bỏ Việt Nam với thị trường đạt 90 triệu dân hiện nay và còn hướng tới con số 100 triệu dân trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc toạ đàm, đại diện của Toyota Việt Nam khẳng định VN có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành ô tô khi mới chỉ 2% người dân sở hữu xe ô tô trong tổng số dân 90 triệu người, tỉ lệ tăng GDP của Việt Nam cũng ở mức cao với khoảng 6%-7%, GDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD năm 2014 và dự báo có thể đạt 3.000 USD năm 2025. Toyota cũng đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Trước đó, Vietnamnet đưa tin, trong một cuộc họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Kinh tế Thương mại và công nghiệp Nhật Bản mới đây, Toyota đã đệ trình Chính phủ Việt Nam 2 kịch bản “đi hay ở” với một loạt gói hỗ trợ để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.
Theo đó, Toyota đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD; giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Tổng gói hỗ trợ này có thể lên tới hàng triệu USD.
Đại diện Toyota đề nghị Chính Phủ cho bảo hộ ngành ô tô đến khi ngành này đủ lớn, có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bạch Dương (nhd.vn)
Ý kiến đánh giá