Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:36
12:05 |
Lắp ráp ô tô lúng túng chuyện đi - ở
Năm 2015, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam sẽ phải quyết định dứt khoát việc tiếp tục đầu tư cho lắp ráp hay chuyển dần sang nhập khẩu toàn bộ vào năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ về mức 0%.
Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư của Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đạt 154 triệu USD. Là nhà sản xuất ô tô và bán hàng tốt số một tại Việt Nam, đến thời điểm này, TMV đã đạt được tổng lượng xe bán ra là 305.390 chiếc. Tuy nhiên, con số này vẫn còn kém xa doanh số 326.000 xe mà Toyota Thái Lan đạt được chỉ riêng năm 2014 (năm 2013, Toyota Thái Lan bán được 444.707 xe).
Nếu không có chính sách đột phá, Việt Nam sẽ biến thành thị trường nhập khẩu ô tô của các nước trong khu vực.
Hoạt động của một thương hiệu lớn khác là Ford, cũng được cấp phép đầu tư tại Việt Nam cách đây 20 năm, cũng không khác gì nhiều. Năm 2014, Ford Việt Nam bán được 13.988 chiếc, trong khi Ford Thái Lan bán được 38.087 chiếc, chưa kể số lượng xuất khẩu từ Thái Lan - khi nơi này được xem là một trong 5 trung tâm sản xuất toàn cầu của Ford.
Nhìn rộng ra cả thị trường, năm 2014, các doanh nghiệp ô tô hiện có tiêu thụ được 157.810 xe tại Việt Nam, riêng 18 thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán được 133.588 xe. Trong khi đó, doanh số bán xe ô tô tại thị trường nội địa Thái Lan là 881.823 chiếc và xuất khẩu là 1.128.102 chiếc.
Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc TMV, đồng thời là Chủ tịch VAMA cho hay, thị trường Thái Lan có khoảng 60 triệu dân, còn Việt Nam có trên 90 triệu dân, nên cơ hội cho thị trường ô tô Việt Nam còn rất lớn. Nhưng bán hàng tốt không có nghĩa là sản xuất tại Việt Nam sẽ tốt lên, nhất là khi từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ về 0% và việc nhập linh kiện về lắp một mẫu xe khiến giá xe cao hơn việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Sau 3 năm làm việc ở Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta đã cởi mở hơn khi nói về thực trạng ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và tâm trạng của các doanh nghiệp. “Để ra một mẫu xe cho thị trường, nhà sản xuất phải chuẩn bị từ cách đó 3 năm”, ông nói và cho biết thêm, các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam vẫn chưa có, vì vậy các doanh nghiệp ô tô vẫn chưa thể đưa ra quyết định sống còn trong việc tiếp tục đầu tư cho lắp ráp hay chuyển dần sang nhập khẩu toàn bộ vào năm 2018.
Nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cho hay, hiện ở Việt Nam có 13 nhà sản xuất lắp ráp ô tô và khoảng 160 công ty cung cấp phụ tùng. Con số tương đương ở Thái Lan là 16 doanh nghiệp lắp ráp và 2.400 công ty phụ tùng.
TMV là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ nội địa hóa lớn nhất cũng mới có 18 nhà cung cấp với 270 loại linh phụ kiện. Trong năm 2014, doanh nghiệp này có thêm 2 linh kiện được nội địa hóa, nhưng con số 18 nhà cung cấp cũng được lãnh đạo TMV cho là nhiều, bởi Thái Lan đã có 50 năm để phát triển ngành xe hơi.
Để trở thành vệ tinh cấp 1 của TMV như 18 doanh nghiệp trên, thời gian chuẩn bị cũng mất cỡ 3 năm. Bởi vậy, ở thời điểm năm 2015 này, ngay cả nhà sản xuất, lắp ráp ô tô còn chưa biết mình sẽ đầu tư tiếp tục ra sao thì các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng lại càng mông lung hơn.
Trong khi đó, giá bán ô tô tại Việt Nam đang đắt hơn ở Thái Lan và các nước khu vực cỡ 20-30% tùy loại. Năm 2014, số lượng xe ô tô bán ở thị trường nội địa của Thái Lan là 881.832 xe, giảm tới 33,7% so với kết quả của năm 2013. Nếu đưa 448.000 chiếc bị giảm sản lượng trong năm 2014 so với năm 2013 tại Thái Lan sang Việt Nam thì cũng đã gấp 3 lần lượng xe ô tô bán được ở Việt Nam năm 2014.
Với thực tế này, nếu không có chính sách đột phá, Việt Nam sẽ nhanh chóng biến thành thị trường nhập khẩu ô tô của các nước trong khu vực.
Theo Hoàng Minh (Baodautu)
Ý kiến đánh giá (3)