Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:24
08:10 |
Đến thời ô tô made in Việt Nam chạy khắp Đông Nam Á
Năm 2017, các DN Việt Nam đầu tư lớn cho sản xuất ô tô. Với số vốn hàng tỷ USD, tập trung vào công nghệ hiện đại, Việt Nam đang kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất ô tô lớn của khu vực, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Đầu tư bài bản, quy mô lớn
Vào cuối tháng 3/2017, Công ty Trường Hải đã khởi công Dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm, với số vốn 500 triệu USD, tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam). Trong đó, giai đoạn 1 là 50.000 xe, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2018. Đây là nhà máy lắp ráp ô tô hiện đại. Hầu hết các dây chuyền tự động, sử dụng robot làm việc, ứng dụng công nghệ mới, có năng suất và độ chính xác cao.
Nhà máy sản xuất lắp ráp xe Mazda chỉ là một trong số các dự án đầu tư mới của Trường Hải. Năm 2017, công ty này quyết định đầu tư 30.470 tỷ đồng xây dựng 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Từ đó, Trường Hải sẽ sản xuất các sản phẩm ô tô con, ô tô tải, ô tô khách có tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 40% trở lên, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn, hiện đại đang được xây dựng (ảnh minh họa).
Hyundai Thành Công vào đầu tháng 4/2017 đã quyết định đầu tư 1 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình) công suất 120.000 xe/năm, với sự hợp tác của Hyundai Motor ( Hàn Quốc). Dự án dự kiến sẽ hoàn thành năm 2018, đảm bảo 90% ô tô Hyundai tiêu thụ tại Việt Nam được sản xuất, lắp ráp tại đây. Hầu hết các công đoạn đều sử dụng robot tự động, giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.
Bên cạnh đó, Hyundai Thành Công đang xây dựng một KCN sản xuất ô tô hiện đại với quy mô vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng, bao gồm: Khu sản xuất và lắp ráp xe du lịch, xe khách, xe bus, trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu công nghiệp hỗ trợ.
Đến đầu tháng 9/2017, Vingroup tổ chức lễ khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Cát Hải, Hải Phòng, với quy mô 335 ha, sản xuất ô tô và xe máy điện. Dự án có công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào 2025, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện. Công suất dự kiến giai đoạn 1 đạt hơn 100.000 xe/năm, với tổng mức đầu tư từ 1-1,5 tỷ USD.
Người Việt làm ô tô
Thời điểm 2018 cận kề, theo cam kết gia nhập AFTA, thị trường ô tô Việt Nam sẽ phải mở cửa với khu vực, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%. Nhiều dự báo, xe nguyên chiếc giá rẻ nhập từ khu vực Đông Nam Á sẽ tràn vào. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô và sản lượng, có giá thành cao, sẽ khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Nếu nhiều doanh nghiệp FDI đã thu hẹp quy mô để hướng tới nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về phân phối, thì 3 DN trong nước lại đi theo hướng ngược lại: đầu tư vào sản xuất với quy mô lớn.
Đây là tin vui đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Không chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, các DN còn hướng tới xuất khẩu, thậm chí là ô tô mang thương hiệu Việt. Không chỉ lắp ráp ô tô mà còn đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa - điều mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khao khát từ lâu nhưng chưa thành hiện thực.
Việt Nam kỳ vọng sẽ xuất khẩu ô tô sang các nước trong khu vực.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trường Hải, cho rằng: Với năng lực hiện nay, cùng các chính sách hợp lý của Nhà nước, các DN vẫn có thể duy trì và phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam. Họ cũng có thể lựa chọn cách không tiếp tục sản xuất, chuyển sang nhập khẩu, nhưng như vậy hàng nghìn lao động sẽ mất việc và Việt Nam sẽ không thể phát triển công nghiệp ô tô.
Sự phát triển công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hoá cao sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế, như tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là cơ khí, điện tử, hóa chất, giảm nhập siêu.
“Chúng tôi đã tính toán kỹ, trước tiên, các dự án ô tô sẽ đi theo hướng nội địa hóa những chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, sử dụng nhiều nhân công như thân vỏ xe, ghế ngồi, các chi tiết nhựa,... phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% với xe con, để được hưởng ưu đãi và có thể tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, ông Dương nói.
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, hiện tỷ lệ nội địa hóa ô tô của hãng này đạt 19%. Khi sản xuất được toàn bộ thân vỏ xe cùng một số linh kiện, sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%. Dự kiến, nhà máy ô tô mới sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2019. Tất cả xe Hyundai sản xuất tại đây sẽ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Vingroup, cho biết, mục tiêu tập đoàn hướng đến là từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất ô tô lớn?
Các DN cho biết, thị trường ô tô đang tăng trưởng nhanh, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Với quốc gia 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu về ô tô ngày càng nhiều, đủ để các DN đầu tư sản xuất với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN là cơ hội lớn. Vì vậy, bắt buộc phải đầu tư, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên và hướng tới xuất khẩu. Không DN nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại chỉ tập trung vào mỗi thị trường nội địa. Phải hướng tới xuất khẩu để mở rộng ra thị trường bên ngoài, qua đó tăng sản lượng, tối đa hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh nội địa hóa, ông Đức nói.
Theo ông Đức, mục tiêu của Hyundai Motor khi hợp tác với tập đoàn Thành Công là biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô Hyundai tại Đông Nam Á.
Ông Trần Bá Dương cũng cho hay, cùng với đối tác, Trường Hải phấn đấu để ô tô sản xuất tại Chu Lai tới đây sẽ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Còn Vingroup đặt kỳ vọng sẽ đưa tổ hợp sản xuất ô tô VinFast dẫn đầu Đông Nam Á.
Quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường một cách hợp lý để được chuyển giao công nghệ: từ lắp ráp, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện phụ tùng, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá cho sản phẩm ô tô.
Nếu được đảm bảo tính công bằng về thuế, cùng các quy định trong quản lý giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ông Dương khẳng định.
Khi xe trong nước đạt doanh số lớn sẽ tạo điều kiện để tung ra nhiều sản phẩm mới và giảm giá thành. Trên thực tế, năm 2017, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước liên tục ra mắt sản phẩm mới, giá xe cũng giảm mạnh. Sắp tới, những mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam còn nhiều hơn nữa, giá bán rất cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Theo Trần Thuỷ (VietnamNet.vn)
Ý kiến đánh giá (1)