Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:14
18:29 |
Cảnh 'nội khó xuất, ngoại khó nhập' của thị trường ôtô
Thị trường ôtô đang có quý mở màn kiểu xe ngoại khó vào, xe nội chưa có cửa ra, dù thuế nhập khẩu 0% theo ATIGA trông rất hấp dẫn.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) bán ra toàn thị trường tháng 1/2018 là 5.451 xe, giảm 30% so với tháng 12/2017 và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 2, sản lượng tiếp tục rơi xuống còn 1.708 xe, giảm 68% so với tháng liền trước.
Trong hai tháng này, lượng xe CBU cập cảng thực tế còn đìu hiu hơn, chỉ có lần lượt 325 vào tháng 1 và 196 chiếc vào tháng 2, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Đến tháng 3, tình hình có khả qua hơn khi trong vòng nửa tháng đã có khoảng 340 xe con làm thủ tục cập bến.
Chính vì thế, dù thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều dòng xe đủ điều kiện trong ASEAN về 0% từ đầu năm 2018 theo ATIGA nhưng sự mong mỏi của người tiêu dùng về xe giá rẻ tràn ngập thị trường chưa thể diễn ra, ít nhất là trong nửa đầu năm nay.
Thuế nhập khẩu 0% theo ATIGA trông rất hấp dẫn nhưng không hề dễ tận dụng bởi hàng rào kỹ thuật khá chặt chẽ của Nghị định 116. Đây cũng chính là lý do xe nhập khẩu nguyên chiếc đang chật vật tìm cửa vào Việt Nam mấy tháng nay.
Xe con nguyên chiếc nhập 'nhỏ giọt' vào Việt Nam mấy tháng nay.
Yêu cầu tất cả mẫu xe phải có giấy chứng nhận Chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) được cấp bởi quốc gia xuất bán xe chứ không phải quốc gia nhập xe như thông thường, khiến các hãng phải mất thêm thời gian. Sau khi một số doanh nghiệp nhập khẩu xe từ Thái Lan có giấy, đến lượt chính phủ Indonesia cũng nghĩ cách cấp VTA để xe từ nước này không mất cơ hội vào Việt Nam.
Xe về nước sẽ bắt buộc kiểm định cho từng lô. VAMA ước tính chi phí kiểm định mỗi mẫu từng lô sẽ mất khoảng 10.000 USD và hai tháng. Trong thời gian này, xe chưa được bán ra nên chi phí, tức giá xe đầu cuối sẽ càng tăng.
Với hàng rào này, Toyota đã dừng tất cả hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam tại Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản. Trong khi đó, Mitsubishi đã tạm dừng sản xuất mẫu SUV Pajero Sports tại Thái Lan cho thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, người kiên trì đáng nể phải kể đến Honda. Hãng đã chuyển dây chuyền sản xuất mẫu CR-V cho thị trường Việt Nam sang Thái Lan. Trước đây, các bộ phận sản xuất tại Thái Lan sẽ được vận chuyển về lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam. Bây giờ, Honda cho rằng sẽ tận dụng được thuế suất 0% khi kết hợp tất cả hoạt động sản xuất tại Thái Lan.
Thông tư 03 hướng dẫn Nghị định 116 được ban hành cuối tháng 1 vừa qua và có hiệu lực ngay với các hạng mục xe nhập khẩu từ đầu tháng này. Theo tính toán của các chuyên gia, các hãng xe mất tầm 6 tháng để chuyển tiếp và thích ứng với quy định mới. Do đó, xe con nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là xe về theo diện hưởng thuế suất 0% của ATIGA chỉ có thể sôi nổi vào nửa cuối năm.
Câu chuyện ngược lại nằm ở xe lắp ráp nội địa. Nghị định 116 và bước bổ sung thêm cho Nghị định 125 trước đó là để tăng tính bảo hộ cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Thậm chí, Bộ Tài chính còn đang cân nhắc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phụ tùng xe con được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cơ hội để xe con Việt Nam cũng tận dụng thuế 0% của ATIGA để xuất ngoại ngược lại còn xa.
Với hơn 20 công ty và 40 nhãn hiệu, sự phát triển của thị trường ôtô còn khá khiêm tốn so với công suất lắp đặt 500.000 xe. Chi phí sản xuất một chiếc xe trong nước vẫn cao hơn tầm 20% so với ở Thái Lan hoặc Indonesia.
Xe nội địa chưa đủ điều kiện để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu của ATIGA.
Thêm vào đó, xe con được sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được ngưỡng giá trị nội địa hóa 40% để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu của ATIGA. Mức độ nội địa hóa hiện là khoảng 10% đối với xe con. Duy một số mẫu xe con của THACO là khoảng 35% và khoảng 40 đến 50% đối với xe tải.
Theo Nghị định 116, các nhà sản xuất ôtô phải xây dựng và áp dụng Hệ thống Quản lý Chất lượng tuân thủ ISO 9007:2016 hoặc một tiêu chuẩn tương đương không muộn hơn 12 tháng sau ngày được cấp giấy phép sản xuất/lắp ráp. Thêm vào đó, tất cả ôtô đều phải đạt Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về An toàn và Bảo vệ Môi trường QCVN09:2015, tham khảo từ tiêu chuẩn của UNECE.
Vấn đề ở chỗ, hiện không có Ủy ban Đánh giá An toàn Xe mới (NCAP) và trung tâm kiểm định để thực hiện kiểm định các tiêu chuẩn này và Việt Nam không phải là thành viên của NCAP Đông Nam Á.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam cần tham gia NCAP Đông Nam Á để được chứng nhận về an toàn và tăng khả năng xuất khẩu ôtô của mình sang các quốc gia ASEAN theo ATIGA”, nhóm chuyên gia về công nghiệp ôtô – xe máy của EuroCham khuyến nghị.
Dẫu cửa xuất khẩu tận dụng ATIGA còn khó nhưng xe nội địa vẫn còn thuận lợi bởi một thị trường trong nước duy trì phong độ tốt về sản lượng lẫn tâm lý. Điều này được dự báo là kéo theo nhiều thú vị vào giai đoạn nửa cuối năm nay và đầu năm sau.
“Thị trường ôtô đang khá lạc quan và mọi người đang hào hứng khi năm 2019 Việt Nam sẽ có một chiếc ôtô thương hiệu trong nước đầu tiên ra đời”, ông Bob Fletcher – Phó chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần EuroCham nhận xét.
Theo Viễn Thông (VnExpress)
Ý kiến đánh giá