21:47  | 

Việt Nam muốn dựng thêm hàng rào siết ôtô nhập khẩu

Hàng rào kỹ thuật sắp được dựng lên để quản lý chất lượng ôtô nhập khẩu nhưng phải phù hợp với cam kết quốc tế.

Ngày 22/3, Văn phòng chính phủ gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Khoa học và Công nghệ (KHCN) để đốc thúc các Bộ này xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để quản lý chất lượng với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và Quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý mặt hàng này, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Nếu Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ KHCN soạn và mang tính chất tự nguyện, khuyến khích áp dụng, chủ yếu dùng để phân loại thì Quy chuẩn Việt Nam của Bộ GTVT có tính chất bắt buộc tuân thủ. Hàng rào kỹ thuật có thể trở thành một chướng ngại vật mới mà xe nhập khẩu phải vượt qua nếu muốn vào thị trường Việt Nam, tương tự  Nghị định 116 và Thông tư 03 trước đây.

Việt Nam muốn dựng thêm hàng rào siết ôtô nhập khẩu oto-nhap-khau.jpgXe nhập khẩu đứng trước nguy cơ gặp rào cản mới.

Sau khi có chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát lại các tiêu chuẩn, nếu cần thiết sẽ chỉnh sửa. Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Khoa học công nghệ cho biết hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam đã cao, tương đương thế giới vì chủ trương không áp dụng ngay thì sau này sẽ khó thực hiện.

"Chúng tôi cũng luôn cập nhật các tiêu chuẩn mới của thế giới vì phương tiện của Việt Nam không chỉ lưu thông trong nước mà phải đảm bảo tiêu chuẩn để lưu thông trên nhiều nước theo hiệp định GMS (Hiệp định tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng)", ông Hà nói.

"Các quy định đã đầy đủ song sau khi có chỉ đạo, Bộ Giao thông lần nữa rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, nếu cần thiết sẽ chỉnh sửa. Hiện công tác rà soát chưa hoàn tất".

Hãng xe mông lung 

Công văn được gửi đi hỏa tốc chỉ một vài ngày sau khi Bộ GTVT chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) từ Indonesia. Hiện cả Thái Lan và Indonesia, hai nước xuất khẩu nhiều ôtô con vào Việt Nam nhất đều đã "xuyên thủng" được Nghị định 116, chỉ vài tháng tới xe nhập khẩu lại ồ ạt về nước.

Trước thông tin sắp có rào cản mới, các hãng kinh doanh xe nhập khẩu tỏ ra lo lắng và mông lung. Đại diện Toyota, Honda cho biết, yêu cầu hàng rào kỹ thuật với xe nhập khẩu không mới, đã có từ vài năm nay, nhưng yêu cầu mới đây có thể là động thái để bổ sung thêm cho những rào cản đã tạo trong Nghị định 116. 

Hãng chưa hình dung được rào cản kỹ thuật sẽ áp dụng vào khía cạnh nào. "Việt Nam đi sau các nước về công nghiệp ôtô, vì vậy quy chuẩn khó lòng cao hơn họ, có lẽ khả thi hơn sẽ là mảng thủ tục giấy tờ", vị đại diện Toyota nhận xét.

Hiện trong bộ hồ sơ để kiểm định ôtô nhập khẩu, buộc phải có Bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của 4 loại là lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước và kính được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Một số hãng khác cho rằng tăng số lượng linh kiện trong quy định này hoặc thêm các loại giấy tờ chứng nhận có thể là cách để dựng hàng rào mới. Nhưng là cách nào chăng nữa, hàng rào kỹ thuật của Việt Nam khó lòng yêu cầu cao hơn nước ngoài nếu tuân thủ đúng các cam kết quốc tế về cạnh tranh công bằng giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp.

Từ cuối 2017, xe nhập khẩu phải đối mặt với nhiều bất lợi khi ưu tiên của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp lắp ráp ôtô. Nghị định 116 và Thông tư 03 (GTVT) gây khó với Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Nghị định 125 giúp xe lắp ráp tràn đầy cơ hội giảm giá. Sắp tới nếu đề xuất miễn Thuế Tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước thành hiện thực và các Bộ ngành tạo thêm rào cản kỹ thuật mới, xe nhập khẩu sẽ càng khó khăn.

Theo VnExpress

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm