Thứ Bảy, 05/10/2024 | 20:24
10:24 |
Mua ôtô tại Việt Nam - khi khách hàng không là 'thượng đế'
Khi nguồn cung xe hạn chế, đại lý có đủ cách từ tăng giá, ép mua thêm phụ kiện nếu khách hàng muốn nhận xe sớm.
Nguyễn Quang đang uống trà sáng cuối tuần thì chuông điện thoại reo, người gọi là nhân viên kinh doanh một đại lý Honda tại Hà Nội. "Xe về rồi, anh chuẩn bị qua nhận xe cho em nhé, tuy nhiên anh phải lắp thêm 10 triệu tiền phụ kiện".
Bực dọc cúp máy, Quang không muốn tranh luận thêm. Đây là lần thứ hai nhân viên kinh doanh gọi điện yêu cầu anh lắp thêm phụ kiện để nhận xe. Anh muốn "làm cho ra nhẽ" để nhận lời giải thích nào đó chính đáng từ đại lý.
Chiếc Honda CR-V của Quang . Ảnh: Nguyễn Quang.
Đặt hàng chiếc CR-V từ tháng 10/2017, doanh nhân quê Hưng Yên phải chờ 5 tháng đến ngày nhận xe. Sau lần đầu yêu cầu lắp thêm 40 triệu tiền phụ kiện, đại lý tiếp tục thông báo Quang phải chi thêm 10 triệu nữa để có thể nhận xe trong tuần tới. Bỗng chốc bị “móc túi” thêm 50 triệu đồng, trong khi theo anh nếu lắp lượng phụ kiện tương tự ở bên ngoài thì giá chưa đến 20 triệu.
Xe nhập khẩu độn giá, thêm phụ kiện vì khan hàng
Tình trạng bán xe "bia kèm lạc” không phải chuyện lạ mỗi dịp có xe được ưa chuộng hoặc thị trường khan hiếm. Từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường ôtô rơi vào trạng thái không ổn định, xe nhập khẩu khan hiếm, giá xe thay đổi liên tục theo tháng ở tất cả các hãng từ bán chậm đến bán chạy. Nhiều mẫu xe giảm giá, nhưng cũng không ít dòng xe tăng giá bán trong thời điểm này.
Khi khách cần xe là lúc đại lý được dịp "chảnh" với khách. Các nhân viên bán xe cho biết chuyện lắp thêm phụ kiện là điều đương nhiên trong bối cảnh hiện tại. “Nguồn cung có hạn, quy luật thị trường thì khách phải theo thôi, khách này không mua thì có khách khác”, một nhân viên chia sẻ. Chỉ gần một năm trước, khi thị trường đồng loạt giảm giá liên tục để kích cầu, nhân viên kinh doanh không có khách để bán, lúc ấy vai trò của khách hàng mới thực sự là "thượng đế".
Xe nhập khẩu trong năm 2018 bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghị định 116 về kinh doanh, bảo hành bảo dưỡng xe nhập khẩu ban hành từ tháng 10/2017 khiến thị trường thiếu hụt xe nhập khẩu vì các hãng chưa cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) như yêu cầu. Những mẫu xe thuộc hàng bán chạy nhất tại Việt Nam đều không thể về nước trong hai tháng đầu năm.
Vài hãng dự trữ xe và nhập khẩu cuối năm 2017 mới có ôtô để bán, dẫn tới cảnh khách mua chênh giá. Đại lý cố gắng thu tối đa lợi nhuận bằng cách tăng trực tiếp vào giá bán, bỏ các khuyến mại và yêu cầu khách hàng mua kèm phụ kiện gắn theo xe.
Toyota Fortuner vốn đang bán rất chạy bỗng thiếu nguồn cung, khách muốn mua xe phải lắp thêm phụ kiện hoặc mua chênh lệch so với giá niêm yết. Khi showroom chính hãng không còn xe để bán, đại lý tư nhân gom được hàng và bán với giá cao hơn nhiều, có xe chênh đến cả 200 triệu đồng. Thậm chí, nhiều xe đã qua sử dụng cũng được các đại lý báo giá cao hơn so với xe mới. “Ôm tiền chờ mua xe mà như ngồi trên đống lửa”, một khách hàng có ý định mua Fortuner chia sẻ.
Chiếc Fortuner máy dầu 2017 đã qua sử dụng giá 1,2 tỷ, đắt hơn xe mới. Ảnh: Đức Quang.
Nhiều đại lý chính hãng thông báo hết xe bán, nhưng sẵn sàng giúp khách tìm được hàng, tất nhiên giá cao hơn nhiều so với niêm yết. Nhiều khách nghi ngờ đại lý găm hàng, trở thành cò xe cho chính sản phẩm đang kinh doanh để ăn chênh lệch.
Xe lắp ráp cũng được dịp "làm giá"
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 1/2018, người Việt mua hơn 26.000 xe. Trong số 10 xe bán chạy nhất thị trường chỉ có Ford Ranger và CR-V là xe nhập khẩu. Toyota Fortuner không có mặt vì đã hết hàng.
Khách hàng tốn thêm tiền để mua xe nhập khẩu cũng là nguyên cớ để xe lắp ráp được chú ý nhiều hơn, từ đó cũng được dịp làm giá. Những tháng đầu năm đúng thời điểm nhu cầu mua xe chạy Tết tăng cao, khách hàng mua các dòng xe lắp ráp cũng phải lắp thêm phụ kiện nếu khách muốn nhận xe ngay.
Khách mua Toyota Vios, Toyota Corolla Altis phải lắp thêm phụ kiện từ 10-20 triệu đồng. Dòng xe Mazda CX-5 mới cũng tăng giá và không nhận thêm đơn đối với một số phiên bản trong thời gian này do không kịp lắp ráp.
Một nhân viên kinh doanh nhớ lại, nửa cuối năm 2017, khách hàng chờ đợi, thờ ơ dù chúng tôi liên tục có chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Thời điểm đó, khách hàng mua xe tại Việt Nam thật sự là những thượng đế. Nhân viên bán xe chăm sóc tận tình, hỗ trợ thương lượng giá tốt nhất có thể.
Hiện, thời thế thay đổi. Đại lý cho biết xe vẫn có thể bán đúng giá niêm yết, nhưng khách hàng phải chờ 5-6 tháng hoặc hơn để đến lượt nhận xe. Trưởng phòng kinh doanh một đại lý tiết lộ, vài nghìn xe về cảng thì đại lý của anh chỉ được giao 70 xe, mà khách hàng chờ lên tới vài trăm người, "lắp thêm phụ kiện là cách để lọc các khách hàng thực sự muốn mua xe". Những người không mua sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc.
Giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật tại Việt Nam cho biết, với mô hình kinh doanh mua đứt bán đoạn, hãng không thể can thiệp vào giá bán của đại lý. Cách duy nhất có thể làm là cố gắng tăng nguồn cung để bù đắp, nhưng để xe về nhiều hay ít lại không chỉ phụ thuộc vào ý chí của hãng, mà còn bị ảnh hưởng bởi các quy định, chính sách.
Sáng 10/4, Quang đến đại lý nhận chiếc CR-V đã chờ đợi 6 tháng, với chi phí độn thêm 50 triệu tiền phụ kiện. Những cố gắng của anh để "làm cho ra nhẽ" với đại lý đã không đi tới đâu.
Cùng ngày hôm đó, hàng chục người khác giống Quang đang chấp nhận đánh mất vị thế "thượng đế" để có được chiếc xe ưa thích.
Theo Ngọc Tuấn (VnExpress)
Ý kiến đánh giá