Thứ Sáu, 20/09/2024 | 03:52
14:07 |
Người Trung Quốc tin xe nước ngoài hơn nội địa
Cả thị trường ôtô đại lục sụt giảm trong 2019, nhưng xe nội địa sụt tới 15,2%, trong khi xe thương hiệu nước ngoài sụt 5,4%.
Trong 2019, thị trường xe hơi Trung Quốc giảm liên tục mỗi tháng, nâng thời gian sụt giảm lên 18 tháng liên tiếp. Một tia hy vọng nhỏ là mức giảm của tháng 12/2019 ở mức thấp nhất, chỉ 0,9% và những tổn thất hai con số được giới hạn trong nửa năm đầu. Tổng cộng có 21,07 triệu xe đã được giao cho các đại lý Trung Quốc vào năm 2019, thấp hơn 9,5% so với năm 2018 và thấp hơn 13,4% so với mức 24,3 triệu xe trong năm 2017. Những con số này không bao gồm xe thương mại, xe tải nhỏ và xe nhập khẩu.
Thị phần của các thương hiệu xe nước ngoài tăng liên tiếp trong năm thứ ba lên 61,2%, cao nhất kể từ năm 2015 và tăng 2,6% vào năm 2018. Đồng nghĩa với việc, thị phần xe nội địa còn 38,8%. Danh số của các thương hiệu nội địa giảm 15,2% trong 2019, cao hơn nhiều so với mức giảm 5,4% doanh số của các thương hiệu nước ngoài.
STT | Hãng | Doanh số 2019 | Thị phần 2019 |
1 | Volkswagen | 3.100.498 | 14,6% |
2 | Honda | 1.553.086 | 7,3% |
3 | Toyota | 1.409.198 | 6,6% |
4 | Geely | 1.220.832 | 5,7% |
5 | Nissan | 1.174.030 | 5,5% |
6 | Buick | 871.506 | 4,1% |
7 | Changan | 787.878 | 3,7% |
8 | Haval | 769.454 | 3,6% |
9 | Hyundai | 685.738 | 3,2% |
10 | Audi | 620.001 | 2,9% |
11 | Baojun | 604.204 | 2,8% |
12 | Mercedes | 595.486 | 2,8% |
13 | BMW | 544.500 | 2,6% |
14 | Chevrolet | 516.087 | 2,4% |
15 | BYD | 451.246 | 2,1% |
15 hãng bán chạy nhất ở Trung Quốc (chỉ tính xe lắp ráp, chưa tính một phần nhỏ xe nhập khẩu của mỗi hãng)
Thị trường Trung Quốc có khoảng gần 100 thương hiệu xe. Trong đó, hơn 30 thương hiệu nước ngoài, còn lại gần 70 nhãn nội địa. Số lượng thương hiệu hơn gấp đôi, nhưng thị phần lại chỉ bằng nửa.
Các hãng xe Nhật Bản là nhóm duy nhất tăng doanh số trong năm 2019 ở mức 3,1%, trong khi các hãng xe Châu Âu giảm 1,9%, các hãng xe Mỹ giảm nhiều nhất ở mức -22,8% và các hãng xe Hàn Quốc giảm 17,9%. Do đó, xe Nhật đạt thị phần cao nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2011 ở mức 21,7% và xe Mỹ, Hàn thấp nhất tại đại lục kể từ năm 2004 với tỉ lệ lần lượt là 9% và 4,6%. Mặt khác, các hãng xe Châu Âu chiếm thị phần cao nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2004 với 25,9%.
Volkswagen (VW) vẫn là thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc, nhờ sự ra mắt của một số mẫu crossover trong hai năm qua, hãng đã cố gắng giữ doanh số gần như ổn định và điều này giúp cải thiện thị phần lên 14,6%. Các đối thủ cạnh tranh của VW đang cố gắng thu hẹp khoảng cách doanh số, nhưng hãng xe Đức vẫn bán nhiều hơn cả Honda và Toyota cộng lại.
Toyota đã chiếm vị trí hạng thứ 3 từ Geely trong ba năm qua, từ hạng thứ 6 năm 2016 đến hạng thứ 3 năm 2019. Trong khi đó, Geely là hãng giảm nhiều nhất trong top 5, mức 12%.
Một số hãng xe Trung Quốc có sự thay đổi rõ rệt, Changan giành lại thương hiệu đứng thứ hai trong nước, ngay trước Haval, vì hai hãng xe đều vượt qua Baojun đang gặp rắc rối với doanh số giảm.
Các hãng xe Hàn như Hyundai cũng mất doanh số ở mức 13,3%, thấp hơn cả năm 2010 và mất 40% doanh số so với năm 2016. Kia giảm 27,4%, cũng giảm gần 40% so với mức đỉnh năm 2016 và thị phần thấp nhất kể từ năm 2003.
Brilliance, nhãn hiệu mới bán xe ở Việt Nam, đứng thứ 58/95 tại Trung Quốc, doanh số hơn 25.000 xe, thị phần 0,1%. Ảnh: Formacar
FAW là một trong những công ty có mức tăng lớn trong top 30 nhờ doanh số tăng mạnh của thương hiệu Hongqi cao cấp (chiếm một nửa FAW), trong khi doanh số của Zotye giảm một nửa vào năm 2019, ở mức trên 100.000 xe.
2019 là năm đầu tiên đánh dấu Audi không phải là thương hiệu xe sang hàng đầu tại Trung Quốc mà là Mercedes. Hãng xe logo ngôi sao ba cánh tăng 6,2% lên gần 693.443 xe , tiếp theo là BMW ở mức 691.002 xe, trong khi doanh số của Audi bao gồm sản xuất trong nước và nhập khẩu chỉ tăng 4,1% lên 690.083 chiếc.
Trước mắt, chính phủ Bắc Kinh không lên kế hoạch để thúc đẩy thị trường, đồng thời chấm dứt việc giảm trợ cấp cho một số phân khúc phát triển nhanh là xe điện và xe hybrid. Thay vào đó, chính phủ cho rằng việc thu hẹp doanh số sẽ là cơ hội tốt để củng cố thị trường, vì những công ty nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa hoặc bị thâu tóm. Trong khi đó, các hãng xe trong nước phải cắt giảm các thương hiệu nội địa bị thua lỗ.
Ngoài ra, chính quyền trung ương Trung Quốc gây thêm áp lực cho hầu hết các tỉnh, thành phố lớn để áp dụng tiêu chuẩn khí thải Quốc gia 6 (tương tự tiêu chuẩn Euro 6) vào 1/7 tới đây. Do đó, các đại lý xe hơi địa phương giảm giá mạnh cho các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.
Theo Minh Quân (Báo điện tử VnExpress.net)
Ý kiến đánh giá (1)