Thứ Sáu, 22/11/2024 | 15:54
11:13 |
Những nguyên nhân khiến xe ô tô bỗng nhiên bốc cháy
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe ô tô bỗng bốc cháy như chất lượng nhiên liệu, rò rỉ nhiên liệu, lỗi hệ thống điện, hay do lỗi từ chính người sử dụng xe.
Thời gian gần đây chắc chẳn nhiều người không khỏi giật mình khi nghe nhiều tin về những vụ cháy xe đình đám đã gây thu hút dư luận. Mới đây nhất là vụ một chiếc ô tô tải chở 45 chiếc xe máy mới vừa xuất xưởng đang dừng bên đường ở tỉnh Quảng Bình chuẩn bị giao xe cho đại lý thì bỗng nhiên bốc cháy. Vụ cháy diễn ra vào ngày 26/4/2020 đã thiêu rụi hoàn toàn số xe máy trên thùng xe tải.
45 chiếc xe máy mới xuất xưởng trên thùng xe tải bị thiêu rụi hoàn toàn. Ảnh Công An Tp.HCM
Cũng trong ngày 26/4, một chiếc ô tô 7 chỗ đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương thì bốc cháy ngùn ngụt. Vụ cháy đã khiến giao thông trên đường cao tốc Trung Lương bị ùn tắc hơn 3 km.
Trên thực tế, không có vụ cháy nào chỉ bắt nguồn từ một lý do đơn lẻ. Thay vào đó, sự kết hợp từ cả yếu tố con người, kĩ thuật, hoá học… chính là những nguyên nhân dẫn tới những vụ cháy xe mà người thiệt hại lớn nhất chính là những chủ nhân bất cẩn. Chính vì thế, việc nắm bắt chính xác những mối ẩn hoạ sẽ giúp bạn tránh các tình huống nguy hiểm về lâu dài.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân khiến xe ô tô bỗng nhiên bốc cháy nhé:
1. Lỗi do nhà sản xuất
Thông thường những lỗi từ khâu thiết kế rất hiếm khi trở thành nguyên nhân duy nhất gây ra hoả hoạn nhưng chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra điều kiện lý tưởng cho những vụ cháy xe. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nhà sản xuất thường phát hiện và xử lý sớm trục trặc ngay trước khi những thảm hoạ thực sự xảy ra.
BMW từng triệu hồi hàng trăm nghìn xe tại Hàn Quốc do sự cố cháy nổ
Bằng chứng là rất nhiều các vụ triệu hồi xe được tiến hành với lý do có liên quan tới nguy cơ hỏa hoạn bởi lẽ chắc chắn không có bất cứ nhà sản xuất xe nào muốn “nổi tiếng” vì lửa cả. Thực tế, động thái triệu hồi xe để sửa lỗi từ phía nhà sản xuất là một hành động rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, về phần mình, bạn cũng phải chú tâm theo dõi và đưa xe tới khắc phục đúng lúc.
2. Nhiên liệu kém chất lượng
Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu - Bộ Công Thương từng chỉ ra rằng nhiên liệu được pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON – chỉ số octan trong xăng như pha xăng A83, naphtha condensat để gian lận thành A95 có thể gây nhiều ảnh hưởng tới động cơ của xe.
Theo giới chuyên gia, việc sử dụng một số phụ gia tăng RON trong pha chế nhiên liệu dẫn đến thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn, hoặc có các thành phần khác với phụ gia thông dụng dễ làm nhiên liệu biến chất. Từ đó, làm trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer; tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi như: các màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun; các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
3. Động cơ quá nóng
Nếu bạn phải lưu thông xe trên đường dài nhưng không cho động cơ xe nghỉ sẽ dễ khiến động cơ xe ô tô nóng vượt mức cho phép. Cộng với việc khi di chuyển trên những cung đường xấu hay có những ổ voi, ổ gà gập ghềnh, xe dễ bị lắc lư, lúc này rất có thể xăng hoặc chất làm mát tràn ra khỏi khu vực an toàn. Rò rỉ qua khoang động cơ, tiếp tục tràn sang khu vực hệ thống xả, cũng như một số khu vực nóng khác, dẫn đến xe bốc cháy là điều dễ hiểu.
Trên thực tế, để tránh việc quá tải nhiệt của động cơ, cách tốt nhất là bạn duy trì việc bảo dưỡng thường xuyên và đầy đủ. Luôn duy trì định kì việc kiểm tra hệ thống làm mát động cơ (vệ sinh và thay thế dung dịch làm mát, thay dầu và lọc dầu đúng với tiêu chuẩn nhà sản xuất), các gioăng trên đường ống dẫn nhiên liệu và chất lỏng kĩ thuật. Nếu cảm thấy bên trong ca pô nóng một cách bất thường, bạn không được ngần ngại mà hãy đưa xe đi kiểm tra ngay lập tức.
4. Rò rỉ xăng
Nếu phân theo tỉ lệ rủi ro, có lẽ việc rò rỉ hệ thống xăng là yếu tố xếp hàng đầu trong các nguyên nhân gây cháy xe. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới điều này và điều thực sự nguy hiểm nằm ở chỗ xăng rò rỉ cực kì khó để có thể phát hiện sớm.
Thông thường, xăng ở nhiệt độ trên 7,2 độ C sẽ cần tia lửa để bắt cháy – điều thường xuyên xảy ra trong động cơ. Tuy nhiên, ở 257,2 độ C, nó có thể tự bùng lên mà không cần tới tia lửa. Nói cách khác, khi xăng bị rỉ ra các bề mặt kim loại nóng (như động cơ, ống xả đang vận hành hoặc nhựa cháy), xe của bạn rất dễ rơi vào tình trạng hỏa hoạn.
Cách tốt nhất để hạn chế tối đa rủi ro đối với hệ thống dẫn xăng chỉ nằm ở việc bảo dưỡng đúng cách và thường xuyên. Thêm vào đó, bất cứ khi nào ngửi thấy mùi xăng sống bất thường ở xe, bạn nên dừng xe, tắt máy và gọi cứu ngay trước khi quá muộn.
5. Chập điện
Đây chính là một trong những lý do thông dụng và cũng là đáng sợ nhất có thể gây ra các vụ cháy xe. Hệ thống điện được thiết kế lắp đặt khắp xe, nên khi bị chập điện thì khả năng một vụ cháy lớn rất có thể sẽ xảy ra.
6. Tự ý độ chế thêm các thiết bị
Nhiều chủ xe tự ý lắp đặt thêm một số thiết bị điện khác trên xe của mình như: quạt, đầu đĩa, dàn karaoke… Việc tự ý thêm thắt không giống với thiết kế của nhà sản xuất,có thể dẫn đến tình trạng hệ thống điện bị quá tải. Đó là chưa kể các chủ xe lại sử dụng dây điện không chuyên dụng, những mối nối không kín, nên rất dễ gay ra cháy nổ. Có một điều bạn cần nhờ là bất cứ mối nối bị lỏng hay mạch điện gặp trục trặc bất thường đều có thể gây ra thảm hoạ.
7. Người sử dụng xe chưa đúng cách
Xe ô tô cũng giống như một vật cưng của mỗi chủ xe. Nếu người dùng chăm sóc tốt, chịu khó bảo dưỡng thường xuyên thì xe sẽ hoạt động tốt. Ngược lại, nếu xe không được bảo dưỡng định kỳ, có thể dẫn đến các trục trặc, gây cháy nổ.
Tia lửa điện có thể xuất hiện nếu đường dây dẫn đã quá mòn, ống dẫn nhiên liệu bị hở, đậy nắp bình xăng không kín… Tất cả chúng đều là nguyên nhân có thể khiến ô tô bị bốc cháy.
Nhìn chung, cho dù không quá hiểu biết về cơ khí hay kĩ thuật xe, bạn vẫn nên mở nắp ca pô và nhìn một lượt sau mỗi vài tuần chạy xe. Chỉ cần có dấu hiệu bất thường (chất lỏng rò rỉ, chuột bọ, dây dẫn bị hư hại…), hãy mang xe vào gara để khắc phục ngay. Đây là hành động đơn giản những sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình sử dụng xe về lâu dài, bên cạnh các quy trình bảo dưỡng định kì.
Trên đây là một số nguyên nhân khiến xe ô tô đột nhiên bốc cháy. Với bài viết này hi vọng sẽ giúp các bạn tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra.
100 ngàn đồng có chống được cháy xe?
Trang Nguyễn tổng hợp (Forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá