Thứ Bảy, 18/01/2025 | 18:07
09:09 |
Xe ế đầy bãi, hạ thuế giảm phí... ô tô thời đại hạ giá
Doanh số bán thấp, tồn kho cao, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tiếp tục tăng khuyến mãi để kích cầu. Trong tháng 6/2020, nhiều mẫu xe nội nhận thêm ưu đãi lớn.
Doanh số thấp
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA cho thấy, doanh số bán ô tô của các thành viên tháng 5/2020 đạt 18.571 xe các loại, tăng so với 11.761 xe tháng 4/2020, nhưng vẫn thấp xa con số 27.480 xe của tháng 5/2019. Tổng cộng 5 tháng đầu năm 2020, doanh số bán của các thành viên VAMA đạt 79.396 xe các loại, giảm mạnh so với 119.604 xe cùng kỳ 2019.
Trong đó, doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước 5 tháng đầu năm 2020 đạt 49.949 xe, giảm trên 30% so với 75.569 xe của cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tồn kho khá cao, riêng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của các thành viên VAMA hiện lên tới hơn 20.000 xe. Dự báo thị trường ô tô Việt Nam 2020 tăng trưởng 15%, trong đó phân khúc xe cá nhân tăng trên 20%, nên các DN ô tô đã lên kế hoạch sản xuất đặt hàng linh kiện từ cuối 2019.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn, nhu cầu giảm mạnh, khiến cho xe sản xuất lắp ráp tồn kho lớn. Ngoài ra, tồn kho linh kiện của các DN cũng cao.
Lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tồn kho tăng cao
Các DN cho hay đang phải sản xuất cầm chừng và dự báo doanh số bán ô tô khó khởi sắc trong thời gian tới. Nhu cầu về ô tô đầu tháng 6 vẫn thấp, số lượng khách hàng đến các đại lý xem xe, ký hợp đồng mua rất thưa thớt. Những khách hàng có nhu cầu thực sự, thì chờ đợi quyết định giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực mới mua xe, Giám đốc Marketing một DN ô tô FDI cho biết.
Cạnh tranh giảm giá, tăng khuyến mãi vẫn đang tiếp tục để kích cầu với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Trong tháng 6, nhiều mẫu xe nội nhận thêm ưu đãi. Chẳng hạn, công ty Trường Hải đang tăng khuyến mãi cho tất cả các sản phẩm Mazda trong tháng này. Khách mua Mazda CX-8 ngoài được giảm giá trực tiếp từ 95-150 triệu đồng, tùy từng phiên bản, còn được tặng gói phụ kiện chính hãng trị giá 25 triệu đồng. Tương tự, Mazda CX-5 được giảm giá trực tiếp từ 55-85 triệu đồng tùy phiên bản và cũng được tặng bộ phụ kiện trị giá 30 triệu đồng.
Trong tháng 6, mua xe Toyota Fortuner lắp ráp trong nước nhận được ưu đãi lớn. Các đại lý đang giảm cho khách hàng từ 65-80 triệu đồng. Riêng phiên bản sản xuất năm 2019 có mức giảm lên tới 120 triệu đồng. Với Hyundai, các đại lý đang giảm 50-65 triệu đồng cho mẫu xe Santa Fe tùy từng phiên bản.
Giãn thuế, giảm phí... giá xe còn xuống nữa
Nếu quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực từ 20/6 sẽ giúp cho doanh số bán xe trong nước tăng lên và dự báo tiêu thụ xe trong hai quý còn lại sẽ cao hơn so với đầu năm.
Tuy nhiên, dù vậy thì 2020 cũng vẫn là năm thị trường ô tô sụt giảm. Xe sản xuất lắp ráp trong nước khó đạt con số 150.000 chiếc của năm 2019, trong khi số xe lắp ráp trong nước năm 2019 đã giảm 12% so với 2018. Vì vậy, có thể nói, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đối mặt với khó khăn rất lớn, đại diện VAMA nhận định.
Ngoài ra, nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì nhu cầu xuống thấp, sản xuất ô tô còn khó khăn kéo dài sang cả năm 2021.
Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020.
Từ 10/7 tới, một số mẫu xe trong nước sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, cũng sẽ giúp các DN giảm chi phí từ 2-5% mỗi chiếc xe, tạo điều kiện để ô tô nội giảm giá.
Với những chính sách này, Chính phủ hy vọng sẽ tạo điều kiện cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm chi phí, giảm giá bán, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ, tăng doanh thu, bù đắp tổn thất do dịch bệnh gây ra để tiếp tục phát triển.
Trước những khó khăn của các DN ô tô, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước theo hướng ưu đãi mức 0% cho giá trị gia tăng trong nước.
Một số DN ô tô đề nghị được hỗ trợ lãi suất cho khoản vay khi khách hàng mua xe trả góp. Vào cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã đề xuất một loạt chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong đó có phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói cho vay ưu đãi, để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước, nhằm kích cầu sản xuất nội địa.
Trong hoàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam gặp khó khăn do dịch Covid 19, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, cần áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay tiền mua xe trả góp. Như vậy sẽ “ kéo” nhu cầu của tương lai về hiện tại, qua đó tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, có lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu hưởng ưu đãi thuế 0%.
Theo Trần Thủy (Báo điện tử VietnamNet)
Ý kiến đánh giá