Thứ Hai, 11/11/2024 | 20:13
08:49 |
Mazda, Hyundai quyết làm lớn, tỷ phú Vượng mạnh tay đổ tiền
Trong bối cảnh nhiều hãng ô tô FDI chuyển hướng sang nhập khẩu thì các DN trong nước vẫn quyết tâm đầu tư lớn cho sản xuất, với công nghệ hiện đại, hứa hẹn giai đoạn phát triển mới và vươn ra khu vực của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Công nghệ hiện đại
Công ty Trường Hải vừa khánh thành nhà máy lắp ráp ôtô Mazda thứ 2 tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), sau một năm đầu tư xây dựng. Đây là nhà máy sản xuất xe Mazda lớn với công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của Mazda Nhật Bản. Nhà máy hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 50.000 xe/năm.
Cùng với đó, Trường Hải cũng đầu tư nâng cấp nhà máy lắp ráp ô tô Kia, đáp ứng yêu cầu mới với chi phí sản xuất tối ưu nhất.
Cũng thời điểm này, Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc và Tập đoàn Thành Công đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Nhà máy ô tô Hyundai thứ 2 tại tỉnh Ninh Bình, công suất ban đầu là 120.000 xe/năm. Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019. Hầu hết các công đoạn đều sử dụng robot tự động, giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.
Các DN ô tô quyết tâm đầu tư lớn để cạnh tranh quốc tế
VinFast đã công bố 36 mẫu thiết kế ô tô cho dòng xe điện và xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ. Trong đó, với xe điện có 17 mẫu và động cơ đốt trong cỡ nhỏ có 19 mẫu. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi người tiêu dùng, VinFast sẽ lựa chọn ra 2 mẫu xe nhỏ động cơ đốt trong và 2 mẫu xe điện đưa vào sản xuất. Như vậy, bên cạnh 2 mẫu xe hạng sang cỡ lớn, gồm 1 mẫu SUV và 1 mẫu Sedan, VinFast sẽ tiến hành sản xuất thêm 2 mẫu xe nhỏ, sử dụng động cơ đốt trong nữa và 2 mẫu xe điện. Sản phẩm dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2019.
Đến nay, VinFast đã hoàn tất hợp đồng mua sắm 4 dây chuyền gồm: dây chuyền dập chi tiết thân xe, dây chuyền sản xuất động cơ, dây chuyền sơn, dây chuyền lắp ráp và sắp tới là dây chuyền hàn. Nhà máy ô tô của VinFast tại Hải Phòng dự kiến sẽ khánh thành vào quý 3/2018.
Trong bối cảnh nhiều DN ô tô FDI chuyển hướng sang nhập khẩu, thì các DN trong nước vẫn quyết tâm đầu tư công nghệ hiện đại, cho thấy đây là thời điểm khởi đầu chu kỳ phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy ô tô Mazda, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN từ đầu năm 2018. Cùng với đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Trong xu thế ấy, đã xuất hiện những DN có tiềm lực lớn, đầu tư bài bản, quyết tâm tạo ra sản phẩm ô tô chất lượng cao.
Việt Nam - trung tâm sản xuất ô tô lớn
Nhà Máy Mazda thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, nâng tổng công suất lên 120.000 xe/năm. Với Hyundai Thành Công, hiện có một nhà máy công suất 60.000 xe/năm, khi nhà máy thứ hai đi vào hoạt động tổng công suất sẽ lên tới gần 200.000 xe/năm, sau đó có thể nâng công suất tối đa lên 260.000 xe/năm. VinFast hoàn thành nhà máy giai đoạn 1 với công suất 100.000-150.000 xe/năm và giai đoạn tiếp theo sẽ nâng công suất lên 500.000 xe/năm.
Ô tô Việt Nam với tham vọng xuất khẩu sang các nước
Với 3 DN kể trên, khi hoàn thành đầu tư, công suất sản xuất lắp ráp ô tô sẽ đạt gần 1 triệu xe/năm. Sản xuất ô tô tại Việt Nam sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN là cơ hội lớn. Vì vậy, đầu tư vào công nghệ hiện đại, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, là bước đi để đưa ô tô Việt Nam ra thị trường khu vực.
Không chỉ đầu tư dây chuyền lắp ráp hiện đại, các DN đều cam kết nỗ lực hợp tác với các đối tác, thúc đẩy đầu tư sản xuất linh kiện, cung cấp cho lắp ráp xe, hướng tới đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, sau đó là 60% để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo các DN, thị trường ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Với quốc gia 100 triệu dân, kinh tế phát triển, đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu về ô tô ngày càng nhiều, đủ để các DN đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Đây là cơ hội để biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất ô tô lớn trong khu vực.
Ông Byung Kwon Rhim, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách thị trường hải ngoại của Hyundai Motor, đánh giá: "Nhận thấy những cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh, Hyundai Motor sẽ thúc đẩy, mở rộng sản xuất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trung tâm sẽ là Việt Nam".
Còn theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải, cùng với đối tác, Trường Hải phấn đấu để tới đây sẽ xuất khẩu ô tô sản xuất tại Chu Lai sang các nước trong khu vực. Còn Vingroup có tham vọng sẽ đưa tổ hợp sản xuất ô tô VinFast dẫn đầu Đông Nam Á.
Nếu được đảm bảo tính công bằng về thuế, cùng các quy định trong quản lý giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển, ông Dương khẳng định.
Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, từ 1/1/2018, được giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện về mức 0% (dành cho các DN sản xuất láp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn). Các DN đang mong chờ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước. Cùng với đó là miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam để thúc đẩy nội địa hóa.
Như vậy, những mẫu xe có sản lượng lớn, sẽ có cơ hội để đẩy mạnh nội địa hóa và giảm giá nhiều hơn. Sắp tới, những mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ có giá bán rất cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Theo Trần Thuỷ (VietnamNet)
Ý kiến đánh giá